Nội dung báo Nhân Văn và sự đình bản tờ Nhân Văn – Pv Lê Đạt

Tháng Tư 26, 2008 at 5:42 chiều (. Lê Đạt, . Nguyễn Hữu Đang, Nhân Văn Giai Phẩm)

Download file Audio

Nguồn Thụy Khê

Ba “điểm nóng” trong tờ Nhân Văn số 1: Bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo cứa cổ, bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm và bài thơ dài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Ðạt đăng trọn một trang báo lớn. Ðó là ba yếu tố sau này trở thành biểu tượng của tờ Nhân Văn số 1. Một mặt khác, Nhân Văn còn có những bài xã luận chính trị, đòi hỏi tự do dân chủ, ký tên Người Quan Sát. Vậy Người Quan Sát là ai? Nguyễn Hữu Ðang và Lê Ðạt là hai thành viên của Nhân Văn bị buộc tội nặng nhất, trong một bản cáo trạng, người ta xác định Lê Ðạt như sau:”Là một người chủ chốt của báo Nhân Văn, tham mưu cho cả tờ báo, tự tay sửa chữa nhiều bài, đả kích chế độ ta rất là cay độc”.

Hôm nay, nhà thơ Lê Ðạt sẽ nói rõ vai trò của ông và ông Nguyễn Hữu Ðang trong tờ Nhân Văn và lý do nào đã khiến Nhân Văn bị đóng cửa.

Thụy Khuê: Thưa anh, khi báo Nhân Văn số 1 ra đời thì dư luận công chúng đã đón nhận nó như thế nào?

Lê Ðạt: Ðời tôi thì chưa bao giờ tôi thấy một tờ báo mà được hoan nghênh như thế. Tức là khi số 1 Nhân Văn, từ nhà in Xuân Thu ra đến Nhà Hát Lớn, vào khoảng độ gần 2 cây số, thì có khi người bán báo phải đi đi về về đến 10 lần để lấy báo, tại vì hết ngay và người ta chen ra đường người ta mua, thậm chí người ta đưa tiền ra mà không ai lấy tiền trả lại cả! Lúc đó tôi đứng đấy tôi nhìn thì tôi mới thấy đúng là ” ngày hội của quần chúng”, không biết ngày hội ấy có kéo dài nhiều không nhưng đúng là ngày hội của quần chúng thật, tức là: không thể đi được! Bản thân tôi, tôi cũng không đi được. Cứ ra thì người ta lấy hết báo, lại vào, lại cứ liên tục như thế mà chẳng phải quảng cáo gì cả. Số 1 báo Nhân Văn ấy, sau khi nó ra rồi, đi đâu tôi cũng thấy người ta nhắc lại hai câu thơ của tôi:

Ðem bục công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước

Nhất là sinh viên ủng hộ rất nhiều. Tờ báo Nhân Văn số 1 lập tức là phải in lại sau đâu có một hai ngày gì đó. Hình như báo nhà nước lúc đó cũng chưa có chuẩn bị đối phó trước một hiện tượng đột ngột như thế, sau này, sự đối phó đến sau, thì lúc đó tất cả các báo, nhất là báo Nhân Dân, thường xuyên phản pháo. Ở trên báo Nhân Dân đã đành, còn các đoàn thể đều học tập vấn đề Nhân Văn cả. Nhưng vì lúc đó tình hình bên Trung Quốc vẫn chưa có gì xẩy ra cả, người ta vẫn trăm hoa đua nở, người ta vẫn trăm nhà đua tiếng thành ra ở Việt Nam vẫn vừa nghe ngóng mà cũng thấy rằng bên Trung Quốc chưa động tĩnh gì cho nên vẫn tiếp tục để cho tờ Nhân Văn ra đời.

T.K.: Thưa anh, anh và anh Ðang bị kết tội khá nặng nề về tờ Nhân Văn, người ta coi anh là một cột trụ. Vậy xin anh cho biết thật rõ anh đã làm gì trong tờ Nhân Văn, về vai trò của anh và anh Nguyễn Hữu Ðang.

L.Ð.: Ðến số sau thì tình hình càng ngày càng phức tạp, lúc đó không thể nào dừng lại ở vấn đề văn nghệ được nữa; tại vì tình hình đấu tranh ở Ðông Âu đang nổi lên, thì Nhân Văn phải có ý kiến. Thế là chúng tôi phải ra hẳn một số về Ba Lan – Hung Ga Ri và ra hẳn một số về Ba Lan. Những số đó tôi phải làm hết sức vất vả. Bây giờ tôi phải nói cái việc tôi làm trong báo Nhân Văn: tại vì tôi phải chịu trách nhiệm với anh em Giai Phẩm, là phải lo về phần chính trị của báo Nhân Văn. Mà ở trong cái chính trị ấy thì phải chú ý đến nhất bài xã luận của anh Nguyễn Hữu Ðang. Tôi không hiểu anh Ðang nghĩ gì, nhưng anh Ðang có cách làm việc rất đặc biệt và tôi thấy chưa ai làm việc như thế cả, tức là anh ấy viết bài xã luận thì anh ấy viết rất lâu, mà mỗi lần anh đưa đến nhà báo cho tôi thì anh ấy chỉ đưa một đoạn thôi, đến giờ chót in báo thì anh ấy mới đưa đoạn cuối cùng. Tôi không biết anh ấy nghĩ gì, nhưng anh ấy nói rằng: “Moa viết vội lắm, moa viết khó lắm.” Vì thế đêm nào in báo tôi cũng phải thức để đợi xem câu chót của bài xã luận anh ấy như thế nào, thành ra rất vất vả. Mà anh em cãi nhau ở nhà in rất nhiều, và không thể làm thế nào được tại vì cách làm việc của anh ấy như thế thì tôi cũng phải chịu thôi. Thế đến số Ba Lan – Hung Ga Ri thì Ðảng và nhà nước đã khó chịu lắm rồi. Cái bài nói về bài học Ba Lan Hung Ga Ri tuy ký tên là Người Quan Sát nhưng chính là tôi viết. Tại vì tôi với Ðang đều ký tên là Người Quan Sát cả, nhưng về hai bài ấy, anh Ðang có nói: “Toa viết thì toa phải nhận”, vậy tôi xin chính thức nhận ở đây! (cười).

T.K.: Trong hai bài đó anh đã viết những gì?

L.Ð.: Lúc bấy giờ quan niệm của Ðảng cũng như của phe cộng sản là như thế này: Bọn Mỹ và bọn phản động nó kích động thì mới xẩy ra cái vụ Ba Lan Hung Ga Ri, thì tôi có nói đại ý rằng: “Cái đó không phải, tức là xuất phát tự ta, ta bậy quá cho nên tụi kia nó mới nhúng vào được, chứ nếu ta tử tế thì không việc gì nó nhúng vào được cả. Cho nên, việc thứ nhất ta không nên sợ vì chúng nó can thiệp mà ta không chỉnh đốn việc của ta”. Ðó là việc mà mọi người trong các báo chính thức rất khó chịu và họ vẫn cho tôi là lẫn lộn ta địch. Nhất là bấy giờ đại sứ Ba Lan cũng viết thư phản đối tôi, nói là: “Ông lẫn lộn giữa Ba Lan và Hung Ga Ri. Hung Ga Ri khác, Ba Lan khác.” Cho nên tình hình lúc đó phức tạp lắm chứ không phải là đơn giản. Nhưng đến bây giờ tôi cũng không thay đổi ý kiến: “Nếu mình không làm bậy thì đế quốc và những thế lực thù địch cũng không làm gì được cả. Bậy là chính tự ta”. Ðấy tôi xin trả lời chị tóm tắt bài tôi viết như thế, tức là đi ngược lại với nhận định của Ðảng lúc bấy giờ.

T.K.: Thưa anh, báo Nhân Văn số 6 là số đưa đến sự đóng cửa của tờ Nhân Văn, vậy bài gì trong số 6 đã đưa đến cơ sự này?

L.Ð.: Số 6 thì thế này. Số 6 thì anh Ðang cũng như thường lệ, anh ấy vẫn đưa cho tôi từng mẩu một. Tôi có xem đến các chỗ, kể cả biểu tình, nhất là cái quyền được biểu tình thì tôi có xem kỹ lại. Về vấn đề  biểu tình ấy tôi thấy là cái quyền biểu tình cũng đơn giản thôi: vì trong các nước xã hội cộng hòa thì bao giờ cũng có biểu tình, quyền biểu tình là bình thường. Tôi xem kỹ lại và tôi hỏi Ðang: “Ông viết thế này, ông đã nghĩ kỹ chưa?” Thì Ðang đưa cho tôi xem bản hiến pháp Trung Quốc, tôi cũng thấy là đúng có những chữ ấy thật, mà lúc đó cũng vội quá, tôi không kịp nghĩ đến một ẩn ý gì của anh Ðang, và tôi cũng không biết anh ấy có ẩn ý hay không. Cái đó chỉ có anh Ðang biết thôi, mình làm báo thì mình chỉ xem nếu không có lỗi gì thì mình phải cho thông qua. Và tôi cũng đồng ý cho thông qua bài xã luận ấy. Thế nhưng cái bài xã luận ấy khi đang in sous presse thì bị ách lại. Và ở trên nói rằng Nguyễn Hữu Ðang hô hào biểu tình. Lúc đó, riêng tôi, tôi phản đối ý kiến đó, đấy là mình đang nói về hiến pháp Trung Quốc cơ mà, chứ có phải mình nói đến vấn đề chung chung đâu. Mà bây giờ, không nói về ý định tác giả, cái ý định của tác giả thì biết thế nào được; nhưng trên giấy trắng mực đen, tôi chưa thấy có gì chứng tỏ Nguyễn Hữu Ðang hô hào biểu tình cả.

Và tờ báo ấy, chính bị ngừng lại là vì câu của Nguyễn Hữu Ðang viết trong bài xã luận.

T.K.: Anh còn nhớ câu anh Ðang viết trong bài xã luận ấy là câu gì không ạ?

L.Ð.: Tôi không nhớ, nhưng mà thế này này: Chu Ân Lai có nói rằng: Hiến pháp Trung Quốc công nhận quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân, kể cả quyền biểu tình. Thì tôi xem lại hiến pháp Trung Quốc cũng có thật, mà Chu Ân Lai cũng có nói thật, nhưng mà không biết cái ẩn ý như thế nào. Lúc đó, một là, tôi vội quá, tại vì bao giờ tôi cũng cập rập. Hai là, có khi anh Ðang anh ấy vô tình cũng nên. Mình không nên đổ tội cho người ta một cách không có bằng cớ gì cả. Thế thì sau đó là bị ách lại ngay. Và tôi thấy tất cả các nơi đã bắt đầu nói rằng: Tờ Nhân Văn công khai hô hào nhân dân biểu tình. Lúc ấy tôi cũng phản đối rất ghê. Như thế là tờ báo ra được 5 số, tức là đời sống của nó cũng chỉ có độ ba, bốn tháng thôi nhưng nó đã để lại một ấn tượng rất lớn trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam.

T.K.: Thưa anh, tóm lại tờ Nhân Văn bị đóng cửa chỉ vì bài viết của anh Nguyễn Hữu Ðang hay là còn có những lý do gì khác nữa?

L.Ð.: Theo tôi bài của anh Nguyễn Hữu Ðang chỉ là cái cớ thôi, chứ còn người ta định đóng tờ Nhân Văn từ lâu rồi. Nhưng nếu anh Ðang không có chủ ý gì, thì riêng việc đó, theo tôi, viết báo như thế cũng là một sơ hở. Bao giờ người ta cũng căn cứ vào cái sơ hở người ta đánh thôi, chứ còn người ta đã định từ lâu rồi. Sau tờ báo, cũng chả có ai biểu tình gì cả; vì thế tôi cũng cho là cái cớ thôi. Người ta đã định đoạt số phận của tờ này từ lâu lắm rồi. Tôi thấy tất cả các công đoàn, tất cả các cơ quan đều học tập về báo Nhân Văn từ trước khi người ta đóng cửa cơ mà, và mọi người đều nói tờ báo đó là phản động.

T.K.: Thưa anh như vậy là trong lúc anh làm tờ Nhân Văn anh còn làm cả tờ Văn Nghệ nữa?

L.Ð.: Vâng, tôi vẫn làm tờ Văn Nghệ. Và cái điểm này tôi muốn nói với chị một chuyện hơi buồn cười mà nó cũng không ra gì. Tức là khi đưa tờ Nhân Văn ra quảng cáo ở ngoài đường – Ðang thì bao giờ cũng thích quảng cáo- tôi có nói rằng: “Không thể quảng cáo tên tôi được”. Mà họ quảng cáo tên tôi ầm lên ở ngoài đường. Tôi bảo Ðang: “Tại sao cậu lại không tuân thủ … ” Thì Ðang nói: “Thế thì tao xóa đi vậy”. Nó xóa nham nhở (cười). Vẫn còn tên tôi ở ngoài đường (cười). Thế là hôm ấy tôi đến, có cả Chế Lan Viên, có Nguyễn Công Hoan, có Bùi Hiển… đứng ở 51 Trần Hưng Ðạo, trụ sở hội Văn Nghệ đó, tôi đi vào, Chế Lan Viên gọi: “Lê Ðạt vào đây.” Tôi vừa vào, Chế Lan Viên bảo: “Mày đứng đằng sau mày lãnh đạo tờ Nhân Văn phải không?” Tôi bảo: “Không, nó xóa tên tao rồi.” Chế Lan Viên bảo: “Nó xóa tên mày mà nó đăng bài thơ của mày cả một trang báo à?” Chế Lan Viên vốn là người thô lỗ, chửi luôn: “Tiên sư thằng nào lãnh đạo mà giấu mặt” (cười). Ðấy, chị thấy không khí rất căng thẳng. Căng thẳng lắm. Nhưng mà tôi vẫn bình thường, công việc tôi, tôi vẫn làm. Nhưng anh em khó chịu với tôi lắm, ở cái hội nghị đảng nào, người ta cũng nêu tên tôi, tôi trở thành một phần tử indésirable. Nhưng người ta cũng chưa có gì cụ thể đối với tôi cả. Ðến khi Nhân Văn bị cấm rồi, thì ở bên Trung Quốc người ta vẫn tiếp tục phong trào dân chủ, lúc ấy, Ðảng và nhà nước thấy rằng: Cho là cái Nhân Văn Giai Phẩm nó quá đáng đi, thì đóng cửa lại, nhưng bây giờ cũng phải thu xếp sao cho nó ổn thỏa. Và như thế là tôi không làm báo Văn Nghệ nữa, về Hội Nhà Văn làm đối ngoại. Trần Dần cũng đã ra khỏi quân đội rồi, về Hội Nhà Văn làm ban sáng tác. Mà nó lại buồn cười thế này: Khi thành lập Hội Nhà Văn ấy, vào tháng 4 năm 1957, thì khi bầu ban chấp hành -lẽ dĩ nhiên là ban chấp hành cũng không có quyền gì- lại có cả Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh mà ai cũng biết là có tham gia Nhân Văn, như thế để biết là, lúc ấy, ở trên cũng chưa có một chủ trương nào dứt khoát cả, vì họ còn mở rộng để cho Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh vào ban chấp hành cơ mà. Thì đủ biết rằng lúc ấy chưa có chủ trương đánh đấm gì dứt khoát cả, hình như họ vẫn muốn là: thôi, bây giờ đoàn kết nhau lại để làm được một cái gì đó tốt đẹp hơn, thì cái Hội Nhà Văn này sẽ ra đời tờ báo Văn đó.

T.K.: Có phải vì Ðảng bắt đóng cửa tờ Nhân Văn cho nên Ðảng cho ra tờ báo Văn để thay thế tờ Nhân Văn, có phải như vậy không thưa anh?

L.Ð.: Không, không, cái đó không phải chị ạ. Ðể tôi nói rõ ràng, cái đó không phải đâu. Ðảng -chị nghĩ hơi phức tạp quá và hơi tế nhị quá- chắc là Ðảng không có những bận tâm phức tạp và tế nhị như thế. Tức là sau đó thì tờ Nhân Văn bị cấm. Nhưng chị nhớ là lúc đó ở bên Trung Quốc vẫn tiếp tục phong trào Trăm Hoa Ðua Nở, Trăm Nhà Ðua Tiếng. Thì tháng 4 năm 1957 có hội nghị thành lập Hội Nhà Văn, lẽ dĩ nhiên là tờ Nhân Văn bị cấm nhưng những anh em Nhân Văn thì vẫn chưa bị gì lắm. Như tôi chẳng hạn, tôi đang chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ thì người ta chuyển tôi sang làm ban đối ngoại của Hội Nhà Văn thôi, tức là lúc bấy giờ tôi không được dính gì đến báo chí nữa thôi chứ không có một lời phê phán nghiêm khắc gì. Thành lập Hội Nhà Văn thì Hội Nhà Văn cho ra tờ báo Văn, mặc dầu, lúc đó tôi ở Hội Nhà Văn, nhưng tôi cũng không tham gia gì vào cái tờ này cả. Tại vì thế này: Tôi thì rất không thích ông Nguyên Hồng và Nguyên Hồng cũng không thích tôi. Lúc ấy Nguyên Hồng là thư ký tòa soạn của tờ báo Văn và Tô Hoài là Tổng thư ký Hội Nhà Văn, đồng thời làm giám đốc nhà xuất bản. Thì lẽ dĩ nhiên là họ cũng chẳng cần gì đến tôi.

T.K.: Thưa anh, trong tờ Văn còn có cả Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân nữa và hình như Nguyễn Tuân có viết bài gì nên tờ Văn sau đó cũng bị lôi thôi ? (Thực ra thì báoVăn số 36, bị đình bản vì bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi)

L.Ð.: Về Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan thì phải nói như thế này: Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân thì hẩu với Tô Hoài. Mà ông Tuân thì tính ông ấy khó tính, thỉnh thoảng ông ấy hay bặc sặc, thế thôi. Thế thì, khi báo Văn ra, có một chuyện gì đó, thì cãi nhau với báo Học tập, báo Học Tập là báo của Ðảng. Cãi nhau thì tôi cũng cho là bình thường thôi, Nguyễn Tuân có viết một bài trả lời trên báo Văn. Nhưng lúc đó, tình hình nó xẩy ra như thế này:

Tháng 5 năm 1957 ra báo Văn.

Cuối năm 1957 Trung Quốc đánh phái hữu, nếu tôi nhớ không lầm thì như thế. Lúc đó Ðảng mới có một thái độ dứt khoát: Người ta nói rằng báo Văn như thế là hậu thân của báo Nhân Văn và như thế phải có một cuộc học tập đấu tranh để làm tuyệt hết tất cả. Tức là ở Hội Nhà Văn, tuy Nhân Văn đã chết nhưng nọc độc của Nhân Văn vẫn còn. Và rằm tháng giêng năm 1958 thì có lớp Thái Hà đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi phải nói với chị rằng Nhân Văn Giai Phẩm đã chết từ tháng 12 năm 1956 tức là người ta đánh như thế -nói theo kiểu pháp luật- là sai, đã hồi tố, không ai đánh một việc đã xong rồi. Tức là như thế này: Tháng giêng năm 1958 tổ chức lớp Thái Hà để đấu tranh chống Nhân Văn mà số 6 Nhân Văn thì đã chết từ tháng 12 năm 1956 rồi.

T.K.: Từ khi Nhân Văn bị đóng cửa đến lúc anh bị đưa ra lớp Thái Hà, trong suốt thời gian đó anh làm gì ạ?

L.Ð.: Khi thành lập Hội Nhà Văn thì báo Nhân Văn đã đóng cửa rồi, và thành lập Hội Nhà Văn ấy trên khẩu hiệu đoàn kết mọi người, trong đó một số anh em Nhân Văn cũ cũng tham gia, như anh Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, và họ ra tờ báo Văn, thì báo Văn họ làm với nhau, chứ tôi không dính gì đến báo Văn cả, mà anh em Nhân Văn thì đã tan nát mỗi người một nơi. Và tôi phải nói với chị điều này nữa: Tháng 5/1957, khi ra tờ báo Văn thì tôi vẫn có chân trong Ðảng. Ðến tháng 7/1957 tôi viết một bài thơ dài tên là Cửa hàng Lê Ðạt, trong lúc ấy, là giữa cao trào cải tạo tư sản miền Bắc. Bài Cửa hàng Lê Ðạt chưa in thì đã có nhiều người nói lắm rồi, đi đâu người ta cũng xì xào: “Lê Ðạt nó sắp sửa nổ một trái bom”. Lúc ấy, in ở nhà Xuân Thu, đang in, tôi thấy Việt Dung -Việt Dung là một cán bộ của sở Văn Hóa- Việt Dung bảo tôi:

-Sao lúc nào cậu cũng lôi thôi thế!

-Cái gì mà lôi thôi?

– Nó cấm rồi?

– Cấm cái gì?

– Thế cậu không biết à? Nó biểu tình rồi. Nó ngừng không in quyển của cậu nữa.

Tôi chạy xuống thì thấy bản thảo người ta cũng lấy rồi, gỡ hết cả chữ rồi, không còn gì nữa. Tức là khi đang in sous presse, thì người ta vận động công nhân -chả biết có vận động không- tự nhiên thấy công nhân đứng lên phản đối, ngừng, không in nữa, và nói rằng: “Tác phẩm này đi ngược với quyền lợi của công nhân!”

Sau cái Cửa hàng Lê Ðạt ấy, người ta vu tôi là gì? Là giữa cao trào cải tạo tư sản mà Lê Ðạt viết bài Cửa hàng Lê Ðạt là tiếp tay với bọn tư sản. Lập tức người ta triệu tập tôi đến hội nghị chi bộ. Lúc này tôi chính thức bị khai trừ khỏi Ðảng Cộng sản Việt nam, tức là vào khoảng tháng 7 năm 1957.

Sở dĩ tôi phải nói chỗ đó cho rõ vì thế này: Lớp đấu tranh Thái Hà có hai lớp. Theo thói thường của Ðảng, bao giờ họ cũng tổ chức hai lớp: Một lớp vào tháng hai, năm 1958, để chuẩn bị cho các đảng viên. Và lớp thứ hai, tháng ba, năm 1958 cho tất cả mọi người. Thái Hà là chỗ gần lăng ông Hoàng Cao Khải, đó là trường công đoàn và ở đó người ta tổ chức một lớp đấu tranh ghê gớm nhất đối với Nhân Văn Giai Phẩm. Sau này mọi người đều nhắc đến nó và gọi là lớp Thái Hà.

Bình luận về bài viết này