Hoàn cảnh sinh sống của Hoàng Cầm sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm và việc in thơ Hoàng Cầm những năm gần đây.

Tháng Tư 28, 2008 at 11:47 sáng (. Hoàng Cầm, . Phùng Quán, . Trần Dần, Nhân Văn Giai Phẩm)

Lược kể về cuộc đời làm thơ của Hoàng Cầm, từ những ngày thơ ấu, qua thời kỳ cách mạng kháng chiến đến ngày nay.

Phần 2: Hoàn cảnh sinh sống của Hoàng Cầm sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm và việc in thơ Hoàng Cầm những năm gần đây.

Nguồn Thụy Khê

Download file Audio

Thụy Khuê: Thưa anh, sau thời kỳ  Nhân Văn Giai Phẩm, anh đã làm gì để sinh sống?

Hoàng Cầm: Tôi nhắc lại: trong vòng 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi, nghĩa là 30 năm tôi không thể đem ngòi bút của mình kiếm được một đồng xu nào hết. Thế thì phải đi lao động chân tay. Tôi với anh Trần Dần, đã từng kéo xe bò. Lúc thì anh này cầm càng, anh kia đẩy, cứ thay phiên nhau như thế. Chỉ mới đi được hai hôm, cả Trần Dần và tôi đều ốm, tức là sốt, rồi nó đau hết mình mẩy và trận ốm ấy kéo dài có khi hàng tuần lễ. Sau không chịu được lao động chân tay nữa, đành phải đi kiếm ăn bằng cách, ví dụ như anh Trần Dần được một người bạn giúp cho đi tô màu ảnh. Lúc bấy giờ chưa có máy ảnh màu đâu. Ai thích ảnh màu thì cứ chụp đen trắng, xong Trần Dần cứ ngồi bôi thuốc, bôi cái má hồng, bôi cái môi son, bôi cái áo hoa nọ kia, nghĩa là bôi màu vào ảnh để kiếm ăn. Mỗi cái ảnh như thế được một hào hay hào rưỡi gì đó. Nghĩa là cứ thế suốt ngày ngồi cặm cụi tô màu vào ảnh. Còn tôi thì đi làm phim đèn chiếu. Viết những lời thuyết minh để kể chuyện chiến sĩ thi đua, hoặc là người tốt, việc tốt, hoặc là an toàn lao động v.v… Những đề tài như thế thì cũng vẫn cứ làm, để kiếm được mỗi tối ba đồng.

T.K.: Xin anh cho biết rõ hơn anh làm phim đèn chiếu như thế nào và anh còn giữ một vài kỷ niệm gì về việc ấy không?

H.C.: Có một hôm anh Phùng Quán đến chơi vào khoảng 7 giờ. Phùng Quán hỏi: “Anh sắp đi đâu đấy?” Tôi bảo là tôi sắp đi chiếu phim đây. Thì Phùng Quán hỏi: Phim gì? Tôi bảo phim đèn chiếu. Phùng Quán cũng chẳng hiểu phim đèn chiếu nó thế nào, mới theo tôi đi. Xuống sân một xí nghiệp thì người ta mắc cái máy ở đấy, rồi thì cũng có écran. Họ bắt đóng hết các cửa ra vào nhà máy và bắt buộc công nhân phải xem. Bởi vì đây là một bài học về an toàn lao động. Phim chính tôi làm,  an toàn lao động, thuyết minh bằng lời thơ, có lúc bằng văn xuôi. Ðầu tiên là công nhân nó tức lắm, vì công đoàn bắt nó phải ở lại xem mà: Úi giời ơi! Ở giữa cái thành phố Hà Nội này mà lại chiếu những phim -ngày xưa người ta gọi là ống nhòm ấy mà- nó cứ keng keng keng gọi ra xem ống nhòm ở bờ hồ. Cái này nó cũng y như thế thôi. Chỉ có là nó chiếu lên màn ảnh to, chiếu ảnh lên, rồi nó phóng to lên. Thế rồi thuyết minh, y như ngày xưa xem ống nhòm ở ngoài bờ hồ, nó bảo: Này! Ðây quan toàn quyền Pasquier đi kinh lý đây! A lô! A lô! Ðây là Quốc Trưởng Bảo Ðại… thế này thế kia… Ðây! Vua Bảo Ðại, hoàng đế Bảo Ðại đi thăm tỉnh Thanh Hóa đây! Ngày trước thì nó như thế! Tức là mỗi cái ảnh nó bật ra, thì cứ chổng mông ra mà nhìn vào cái ống nhòm, trẻ con là thích lắm! Cứ bỏ vào đấy một xu thì được xem khoảng một vài chục cái ảnh. Còn cái này nó chỉ khác tí là nó chiếu lên écran, có lời thuyết minh một tí.

Ðầu tiên công nhân nó phản đối, nhưng cũng không thể làm thế nào được, bởi vì đây là kỷ luật bắt buộc phải xem để học tập về an toàn lao động. Nhưng đến khi tôi bắt đầu cất tiếng thuyết minh và đến chỗ tôi bắt đầu cất giọng ngâm thơ lên thì họ bắt đầu chú ý và im lặng, chứ lúc đầu họ phá phách ghê lắm. Cứ ầm ầm, ầm ầm. Thế rồi dần dần họ theo dõi phim cho đến hết và khi ra về có vẻ rất mãn nguyện. Họ bảo: “Ờ, tưởng cái gì chứ phim đèn chiếu xem cũng được đấy nhỉ! Mà lại hay đấy nhỉ!” Thì đấy! Ði kiếm ăn như thế và Phùng Quán dự từ đầu đến cuối. Ðến khi về thì tôi bảo: “Mình có ba đồng đây này, mời Phùng Quán đi ăn phở với mình.” Bát phở chỉ có 5 hào thôi. Phùng Quán bảo: “Không, đáng nhẽ em phải mời anh chứ! Anh làm gì có tiền, khổ thế mà anh mời em. Thôi, thế thì mỗi anh em ta làm một ly rượi suông vậy.” Mỗi ly rượu có 5 xu ấy mà. Rẽ vào một hàng, mỗi anh em uống một ly rượu suông. Phùng Quán nói một câu thế này: “Trời đất ơi! Nhà thơ nổi tiếng nhất nước thế này mà đi làm cái phim đèn chiếu! Cái ống nhòm ngày xưa! Em nghĩ nó tủi thân lắm, anh ạ”. Mình bảo chả có cái gì là tủi cả! Mình lao động bình thường như một con người bình thường. Mình kiếm ăn, có cái gì mà tủi mới buồn! Chả có cái gì đáng buồn cả! Tôi lại phải nói với Phùng Quán như vậy. Ðấy là những kỷ niệm về thời bấy giờ.

T.K.: Thưa anh, sau buổi liên hoan do tờ Văn Nghệ tổ chức đánh dấu việc anh đã được chính thức phục hồi, thì sau đó anh làm gì, và nếu anh viết thì những điều anh viết có  in được không ạ?

H.C.: Sau cái buổi ấy rồi thì tôi cũng tiếp tục sáng tác và chuẩn bị in các tập thơ. Ðầu tiên là định in ngay tập thơ Về Kinh Bắc, vì nhiều nhà xuất bản đã biết tên tập thơ đó. Khổ cái là tôi mất hết bản thảo. Bị tịch thu, rồi thì chỗ nào có thì người ta cũng phải giấu đi, chứ không thì mắc tội gì đó. Tôi không làm thế nào mà nhớ hết cả tập thơ 48 bài, chỉ nhớ được độ mươi bài ngăn ngắn thôi. Thế nhưng đến các nhà xuất bản thì cũng không ai dám in. Nhà xuất bản Văn Học, nhà xuất bản Hội Nhà Văn (lúc bấy giờ còn tên là nhà xuất bản Tác Phẩm Mới), nhà xuất bản Phụ Nữ… tất cả đều rất quý, rất thích nhưng không ai dám xuất bản cả. Tôi mới nói chuyện chơi với anh Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa, và đưa cho anh ấy xem một tập thơ, toàn những bài mới làm, mà toàn là thơ tình thôi, chứ không có dính dáng gì đến cái tập Về Kinh Bắc cả, bởi vì tôi biết rằng  nếu còn dính dáng đến cái tập ấy thì không ai cho mình in. Ðọc xong anh ấy bảo: Thôi anh để cho tôi in tập Mưa Thuận Thành này nhưng phải yêu cầu anh cho một số bài nổi tiếng mà anh đã đăng báo rồi như Lá diêu bông, Cây tam cúc, Qua vườn ổi, Cỏ bồng thi, Tắm đêm, Về với ta, v.v…, tức là vào khoảng độ 7, 8 bài, mà là những bài anh em đã rất quen thuộc ngấm ngầm trong suốt 30 năm. Tôi bảo: “Cái này thì ông phải đối phó với cơ quan chính quyền thôi”. Anh Quang Huy bảo: “Ðược rồi, tôi sẽ có cách”. Quả nhiên khi anh ấy in, tôi cũng đưa vào đấy 8 bài trong tập Về Kinh Bắc. Thì cuối cùng đúng là anh ấy phải tiếp mấy cán bộ đại diện cho cơ quan công an của trung ương, hỏi anh ấy tại sao in tập này, lại có lẫn mấy bài ở trong tập Về Kinh Bắc. Rồi họ yêu cầu cho mượn bản thảo và cho xem cả bản sắp chữ, bản morasse. Anh Quang Huy vẫn thực hiện đúng ý kiến của trên, nhưng anh ấy có yêu cầu thế này: “Các anh mượn, chúng tôi rất vui lòng, nhưng các anh phải trả lại tôi để tôi in cho đúng kế hoạch của nhà xuất bản, nếu không thì nhà xuất bản chúng tôi phá sản, chúng tôi lỗ vốn đấy”.

TK: Thưa anh họ đã làm khó khăn như vậy nhưng mà theo anh tại sao họ vẫn cho phép anh in ạ?

HC: Tôi thì tôi cho rằng những bài thơ này đã từ những năng 87, 88 đều đã đăng rất nhiều báo rồi mà đều không có ý kiến gì của ai phản đối hay chê bai cái gì cả, không có ai nói rằng đó là những bài thơ xấu cả, chứ cũng không phải rằng tôi in mới toanh. Nhưng mà qua những chuyện nói vừa mềm dẻo nhưng cũng vừa rất có nguyên tắc của anh Quang Huy thì cuối cùng người ta cũng nhân nhượng. Thì đấy, bấy giờ mới ra được tập đầu tiên, đó là tập “Mưa Thuận Thành” của nhà xuất bản Văn hóa, thì nó chỉ có 8 bài trong tập “Về Kinh Bắc” thôi chứ cũng không có nhiều.

T.K.: Bây giờ trở lại những ngày đầu mà anh bắt đầu làm thơ, thưa anh, anh đã đến với thơ trong trường hợp như thế nào?

H.C.: Bây giờ tôi mới nghiệm ra là hình như tôi là thơ bẩm sinh thì phải, hình như là thơ đã nhập vào người tôi từ lúc tôi còn là cái bào thai. Không biết là có đúng không. Mà ngay từ khi tôi biết được khách quan tức là có ý thức được rằng mình đang ở đâu, bố mẹ mình thế nào, rồi chung quanh mình thế nào, tức là từ năm lên 5 tuổi. Lúc bấy giờ gia đình tôi ở môt phố xép, bên cạnh đường số 1, còn 6 cây số nữa mới đến thị xã Bắc Giang. Nhà tôi có một cái tủ thuốc của ông bố tôi làm cụ lang chữa bệnh, với lại một cái bồ hàng xén của bà mẹ tôi, thường thường là gánh đi bán ở các chợ chung quanh mấy xã đó, là huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Sống nghèo nàn như thế thôi. Không hiểu sao khi tôi lớn lên một chút thôi, tức là từ năm lên 5 tuổi, luôn luôn tôi cứ mơ mộng về những đám mây, nó cứ đi, nó cứ bay rồi nó về một ngọn núi xa xa là dãy núi Nham Biền ở tỉnh Bắc Giang đấy. Ðằng sau đường xe lửa đi độ vài trăm mét thì có một con ngòi, khi mùa nước lũ nó cũng to, mùa khô thì có thể lội qua được. Tôi hay ra bờ con ngòi đó. Mình cứ mơ mơ màng màng vào con sông đó, cái ngòi đó, cứ trôi mà không biết trôi về đâu. Có khi mình thả những con thuyền, lấy một cái lá đa bó bó nó lại như hình con thuyền ấy, rồi mình thả cho nó trôi. Ðể muốn nói rằng, thời thơ ấu của tôi cho đến khi tôi học hết tú tài thì cái nghiệp thơ đã định vào người tôi từ quá sớm. Mà tôi sống rất cô đơn, ở một xóm quê, cứ thơ thẩn trên cái đường làng hiu hắt như thế cho đến bây giờ 77 tuồi, tức là 70 năm. Bởi vì tôi cũng bắt đầu làm câu thơ đầu tiên vào năm lên tám tuổi. Cái nghiệp thơ ấy nó cứ theo đuổi tôi suốt bảy chục năm. Có thể nói là không có một ngày nào, tôi buông rời được cái hồn thơ của tôi.

T.K.: Anh có thói quen làm thơ vào những lúc như thế nào? Ban ngày hay ban đêm? Hay là phải những giờ phút đặc biệt mà anh có cảm hứng?

H.C.: Không hiểu làm sao mà cái hồn thơ của tôi nó cứ luôn luôn đêm nào cũng thế, nó cứ thao thức ở trong người. Có lúc thì bật ra được bài thơ. Mà không chăng nữa thì nó cũng vẫn là những giấc mê hoặc những mơ mộng, hoặc những nguyện vọng, những ao ước. Nó luôn luôn bám lấy tôi, nhất là về ban đêm. Và cũng phải nói một điều là từ lúc biết làm thơ, chưa bao giờ tôi làm thơ ban ngày hay chưa bao giờ tôi làm thơ theo một chủ đề định sẵn. Cứ tự nhiên nó đến, rồi tự nhiên nó đi. Không hề có một sự cố gắng tìm tòi chữ nghĩa hay bố cục gì cả. Tất nhiên là cảm xúc đầu tiên có ghi ra giấy, sau đó là cái thời gian phải nâng cao lên, tức là chọn chữ hoặc thay đổi chữ nọ, nhịp kia v.v… thì tất nhiên phải làm. Và cái giai đoạn này nó đã bắt đầu ngay từ lúc còn thơ ấu.

T.K.: Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Cầm

Liên kết tĩnh Gửi bình luận

30 năm hành trình vào sa mạc sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm

Tháng Tư 28, 2008 at 11:39 sáng (. Hoàng Cầm, . Phùng Quán, Nhân Văn Giai Phẩm)

Lược kể về cuộc đời làm thơ của Hoàng Cầm, từ những ngày thơ ấu, qua thời kỳ cách mạng kháng chiến đến ngày nay.

Phần đầu: 30 năm hành trình vào sa mạc sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm.

Nguồn Thụy Khê

Download file Audio

Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Cầm, anh có dự định viết một cuốn hồi ký, thưa anh dự định ấy hôm nay đã đi đến đâu rồi ạ?

Hoàng Cầm: Ðầu tiên tôi cũng đã dự định, dự định từ lâu rồi, định viết một cuốn Mémoire khoảng 1000 trang từ năm 1990. Lúc bấy giờ tôi cần có một người trợ giúp mình, không những là về mặt viết lách v.v… mà kể cả về tình cảm. Bởi vì từ sau khi tôi mất người vợ năm 1985, đời sống tình cảm tôi bị hẫng hụt, phải nói là một cách ghê gớm. Sau đó, tôi bị gần như là một thứ bệnh tâm thần cho đến năm 87, thì nhờ các bạn, nhất là anh Dương Tường, anh Lê Ðạt, kể cả anh Trần Dần và một số bạn trẻ nữa như là Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn… tôi đã dần dần hồi phục lại được sức khoẻ và nhất là tránh được cái bệnh tâm thần của tôi mà các bác sĩ cho là nó vào cái dạng trầm uất.

T.K.: Thưa anh, tại sao anh lại bị bệnh và bệnh trạng của anh, thực sự nó như thế nào?

H.C.: Tức là sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng, (chú thích: về vụ bản thảo Về Kinh Bắc), từ đó đến khi được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng:

– trước tiên là hoảng loạn,

– thứ hai là trầm uất.

Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa -mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ- nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi. Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay  của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm  gì mình cả.

Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ một cái gì đó thì tôi không trả lời hoặc là trả lời gióng một.

T.K.: Thưa anh lúc anh bị bệnh nặng như thế là thời kỳ nào hả anh?

H.C.: Là năm 87 có độ 7, 8 anh em nhà văn trẻ như là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v… ở trong Huế ra chơi, họ đến nhà anh Phùng Quán. Họ nhờ anh Phùng Quán đưa xuống thăm tôi. Tôi cũng vẫn có vẻ như vui mừng được gặp những người anh em xưa nay người ta mến mình thì cũng vẫn giữ một thái độ thân ái thôi. Nhưng đến khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi rằng: Anh có dự định sáng tác gì nữa không, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng gì cả. Lắc đầu. Cứ lắc đầu hoài. Thế rồi họ hỏi cái gì tôi cũng lắc đầu. Chỉ lắc đầu mà tôi không nói gì hết. Phùng Quán thấy thế cho rằng tôi suy sụp hoàn toàn về tinh thần. Ðó là đầu năm 87. Phùng Quán có vẻ bực tức cái chuyện ấy lắm mới chạy đến nhà anh Lê Ðạt, bảo anh Lê Ðạt: “Bây giờ anh Hoàng Cầm bị tình trạng như thế này thì chỉ có anh mới giúp anh ấy được, chứ em trông thấy thế này thì em sợ lắm, và em nghĩ rằng một tài năng như anh Hoàng Cầm mà bị như thế này thì chúng ta sẽ hết sức thiệt thòi, anh ấy không còn có thể viết một cái gì được nữa.” Lê Ðạt thì vững vàng hơn. Lê Ðạt chỉ bảo Phùng Quán rằng: “Rồi cái đó nó cũng sẽ qua đi. Tôi tin rằng Hoàng Cầm không bao giờ là người sẽ suy sụp.” Phùng Quán vẫn không tin Lê Ðạt, bèn về viết một bài, nó cũng không phải là thơ, là một ý kiến, có vần, có điệu, coi như một bài thơ, nó thế này này:

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp.

Một nhà thơ đã từng viết những câu thơ lẫm liệt

Trong tiểu đội của anh những ai còn ai mất

Không. Không ai còn ai mất

Ai cũng chết mà thôi

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi.

Rồi lại đến một cái điệp khúc:

Tôi không tin một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp.

Trên thế gian có nghìn nhà thơ lớn

Trên thế gian có nghìn con sông lớn

Nhưng chỉ có một dòng nhờ thơ mà vang vọng

Nhờ thơ mà vinh danh

Ðó là con sông Ðuống quê anh

Mà anh xót xa như bàn tay anh rụng

Tôi tin chắc như đinh đóng cột

Sau này anh chết đi

Theo sau linh cữu anh

Ngoài bạn hữu gia đình có cả con sông Ðuống.

Sông Ðuống mặc đại tang khóc bên bồi bên lở

Sóng vỗ bờ nức nở

Ðời đời chịu tang anh.

Tôi không tin một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp.

Phùng Quán viết to bài thơ đó lên một tờ giấy rất to như là tờ giấy lấy ở bao xi măng ra và anh ấy xuống treo ngay ở nhà tôi. Thì tôi cũng cứ mặc, thế thôi. Cả thời gian ấy tôi vẫn cứ ở trong tình trạng đó. Mãi về sau, cuối năm 87, nhất là sang năm 88, trong một cuộc họp bàn ban chấp hành hội nhà văn, có bàn đến việc phục hồi những nhà văn bị kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó, nhờ các bạn kéo tôi đi chơi vào những chỗ mà người ta yêu mến mình, dần dần nhờ những sự săn sóc đó mà tôi trở lại viết được. Và cái mà tôi viết được ngay là bài Mưa Thuận Thành.

T.K.: Thưa anh, nói về việc phục hồi, trong hoàn cảnh nào, ở thời điểm nào anh đã được phục hồi?

H.C.: Năm 1988 đấy. Hôm mà báo Văn Nghệ tổ chức 40 năm thành lập báo Văn Nghệ, lúc bấy giờ là dưới sự điều khiển của anh Nguyên Ngọc. Họ có tổ chức hai buổi ra mắt độc giả. Hôm đó tôi được mời, và họ yêu cầu anh đọc cho một hay hai bài thơ; thì phần lớn đều yêu cầu bài Bên kia sông Ðuống. Bài đó bị vùi đi lâu quá, cho nên bây giờ họ hết sức tha thiết yêu cầu như thế. Nhưng mà tôi, tôi đã có chủ định rồi, tôi nhất định không đọc bài Bên kia sông Ðuống và tôi đọc hai bài thơ mới là bài Mưa Thuận Thành và bài Lá diêu bông, hai bài hoàn toàn xa lạ. Tôi muốn gây một effet mới, thì họ tán thành ngay. Tôi đọc xong bài Mưa Thuận Thành, đến bài Lá diêu bông, vì muốn nhấn mạnh cho nên tôi đọc một lần và ngâm một lần. Tôi vốn cũng nổi tiếng về ngâm nữa, cho nên người ta thích. Tôi lại ngâm bài đó với một giọng vừa trữ tình, vừa mang hồn bài hát quan họ và lại pha một chút nhạc ca trù, vì từ thời niên thiếu, tôi đã quen với ca trù rồi. Ðến khi tôi ngâm xong bài Lá diêu bông thì nó biến cái hội trường thành như một cuộc mít-tinh gì đó, mà tất cả nhằm vào tôi. Ðến ngày hôm sau, ra cái hội trường lớn hơn tức là hội trường của Cung Văn Hóa (bấy giờ còn gọi là Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt-Xô), khi họ nói đến tên tôi là lại nổi lên một trận vỗ tay đến nỗi là tôi phải trốn tiếng vỗ tay đó. Không hiểu làm sao mà lúc bấy giờ tôi cứ ngường ngượng. Khi tôi lên sân khấu rồi, tiếng vỗ tay vẫn tiếp tục. Chợt có một lúc, tôi như chợt khóc lên, như là nước mắt ở đâu đó nó trào ra. Không phải là giọt nước mắt vui mừng vì cái vinh quang nó trở lại với mình. Không! Tuyệt nhiên không phải cái đó mà lại là tình cảm này: Lúc bấy giờ tôi chợt nhớ đến bà vợ tôi là bà Lê Hoàng Yến. Nếu không có bà Lê Hoàng Yến thì không có tập Về Kinh Bắc. Mà Về Kinh Bắc tôi viết ngay cuối năm 59, tức là chỉ có một năm sau khi thi hành kỷ luật (kỷ luật là 58-59), đối với tôi thì đúng là oeuvre clé. Thành ra tôi nhớ đến bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn thì cũng không có, bữa cơm nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt đi, nghĩa là đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn. Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi. Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức là nó lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ mới có từ chập tối hơi sôn sốt, rồi bà ấy đi nằm, mà giữa mùa nực, bà ấy thấy có cái gì ren rét, tôi đã phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ thì đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời.

Thành ra đến lúc lên sân khấu, cái vinh quang nó trở lại với tôi một cách quá sức tưởng tượng, thì chợt hình ảnh vợ tôi đã chịu tất cả mọi khổ sở trong vòng 30 năm, tròn 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi. Nghĩa là trong 30 năm, tôi không thể đem cái ngòi bút của mình kiếm được một đồng nào hết.

Liên kết tĩnh Gửi bình luận

Thơ Hiện đại và sinh hoạt sáng tác của các nhà thơ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Tháng Tư 28, 2008 at 10:14 sáng (. Hoàng Cầm, . Lê Đạt, . Phùng Quán, . Tử Phác, . Trần Dần, . Văn Cao, . Đặng Đình Hưng, Nhân Văn Giai Phẩm)

Nguồn Thụy Khê

Download file Audio

Buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm, một trong những người chủ chốt của phong trào Nhân văn Giai phẩm. Nhà thơ Hoàng Cầm sẽ cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện văn học sử về thời kỳ hậu Nhân văn, về sinh hoạt sáng tác của các nhà thơ hiện là những người đang đưa ra những tìm tòi khai phá mới nhất cho thơ hiện đại.

Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Cầm, anh đã sống những ngày sóng gió với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và cũng là những ngày mà thơ hiện đại manh nha mầm mống ở, không khí ấy như thế nào thưa anh?

Hoàng Cầm: Nhân Văn chưa ra nhưng cái chuyện thơ thì Lê Ðạt, Trần Dần có rất nhiều ý kiến về thơ ca để cho nó tách hẳn ra. Còn riêng tôi thì tôi cũng không hẳn là cũ mà cũng chưa hẳn là mới. Anh em cứ bảo tôi là một loại poète né. Bài Bên kia sông Ðuống thì anh em vẫn đánh giá là nó cách tân đấy. Thế nhưng tôi cũng chả nghĩ gì đến cách tân hay không cách tân bởi vì tôi, về mặt lý luận, tôi lười lắm. Và đến khi Nhân Văn ra, thì tập Những người trên cửa biển rõ ràng là nó có nhiều cái rất mới và đặc biệt là 1/3 đầu:

Sinh ra tôi đã có Hải Phòng

đầu nhà mới trồng cây mận

thì tôi cho đó là những câu thơ rất hay, và

đêm đêm tôi vẫn ngủ trên cầu

đấy. Nói được cái khao khát nó mông mênh, nó vô tận như thế. Mà một trời một nước như thế với cái khát khao, cái khát vọng lớn của những thi sĩ như chúng tôi lúc bấy giờ, thì anh Văn Cao đã đạt được những câu thơ tôi cho là hay của cái thời kỳ giữa năm 56, từ mùa xuân đến mùa hè.

T.K.: Thưa anh, rồi sau đó có phải đến thời kỳ hoạt động mạnh của Nhân Văn Giai Phẩm không ạ?

H.C.: năm 56 là làm cái Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thù, Giai Phẩm Mùa Đông, cũng là do tôi và anh Lê Đạt làm là chính. Thế rồi đến Nhân Văn thì anh Nguyễn Hữu Ðang là người sinh ra báo Nhân Văn, tôi là người đặt tên cho tờ báo. Nhưng đồng thời sau đó cũng lại chính mình phải làm tất cả mọi viêc của tờ báo. Phụ thêm thì có anh Lê Ðạt. Thế còn anh Trần Dần thì vì anh ấy cũng yếu và những công việc của một tờ báo thì anh ấy cũng không làm được.

Năm 57 thành lập Hội Nhà Văn và lúc bấy giờ về báo Nhân Văn thì chỉ có một cái lệnh là đóng cửa thôi. Cái lệnh là đình bản. Cũng bị phê phán nhiều ở các báo, nhất là báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ đều có phê phán cái tư tưởng Nhân Văn. Nhưng mà còn về mỗi người thì chưa có kỷ luật gì cả, đó là năm 57.

Tôi lại còn được bầu vào ban chấp hành Hội Nhà Văn và phụ trách phó giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ (lúc bấy giờ đổi tên là nhà xuất bản Hội Nhà Văn), do anh Tô Hoài làm giám đốc, thêm có anh Ðoàn Giỏi nữa để cho gọi là có đại biểu của miền Nam. Thế nhưng công việc làm lúc bấy giờ tôi làm là chính, vì anh Ðoàn Giỏi lúc bấy giờ anh ấy cũng chưa thân với anh em viết văn ở ngoài Bắc lắm bởi vì anh ấy mới tập kết ra. Còn anh Tô Hoài, anh ấy khôn lắm. Anh ấy cứ lỉnh đi để sáng tác. Ðấy là năm 57.

T.K.: Thưa anh, thế thì vì lý do gì dẫn đến những bắt bớ sau đó?

H.C.: Đến năm 58, đầu năm 58, bên Trung Quốc có việc đánh đả phá phái hữu. Hai nhân vật được nêu ra để phê phán ghê nhất là Đinh Linh và Trần Sĩ Hà. Bên nhà Nhà nước, lãnh đạo của ta ấy, mới cử ông Huy Cận. Nếu tôi nhớ không nhầm thì là ông Huy Cận với ông Lưu Trọng Lư, hay là ông Hà Xuân Trường nào đó tôi cũng không nhớ rõ lắm nhân vật thứ 2. Nhưng mà tôi nhớ chắc chắn là anh Huy Cận được cử sang Trung Quốc để rút kinh nghiệm cuộc đấu phái hữu. Khi các anh ấy về thì lập tức bên này lại mở ra một lớp gọi là lớp học chính trị, nhưng chính ra là để đấu, đấu tranh chống tư tưởng Nhân Văn. Tức là chống tư tưởng mà lúc bấy giờ ngườ ta cho là tư tưởng phá hoại, chống Đảng, tiếng thông thường là “phản động”. Đấy là đầu năm 58.

Lớp học đó kéo dài gần 2 tháng, sau đó thì đi lao động này, đi vào các xí nghiệp, xuống nông thôn, nông trường. Nhưng mà không phải chi riêng anh em Nhân văn đi. Tất cả văn nghệ sĩ đều phải đi tham gia lao động thực tế. Nhưng mà trong số chúng tôi đó, thì anh Trần Dần, anh Lê Đạt, anh Đặng Đình Hưng, Tử Phác thì đi về nông trường Chí Linh để chăn bò, chăn trâu, làm việc suốt ngày. Thế còn tôi và Phùng Quán, Trần Lê Văn, Quang Dũng thì đi về một hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình để lao động, nhưng mà nửa ngày thôi. Đó là sau khi giải quyết kỷ luật. Tôi thì thôi chức phó giám đốc nhà xuất bản văn nghệ, nhà xuất bản Hội nhà văn, khai trừ khỏi ban chấp hành. Lương cũng bị cắt đi rất nhiều, chỉ có một đồng lương nho nhỏ gọi là trợ cấp, đủ ăn cho một người. Đợt đầu tiên đi 6 tháng, 6 tháng rồi lại về Hà Nội, kiểm điểm rồi tổng kết vân vân…

Sau đó thì Hội nhà văn cũng không thu xếp được chỗ nào để đi lao động nữa lại hẵng cứ ở nhà tạm nghỉ một thời gian.

T.K: Thưa anh, trong thời gian nghỉ đó thì các anh làm gì ạ?

H.C: Chính lúc bấy giờ anh em lại tập trung viết được rất nhiều. Không phải là có một cái kỷ luật gì cấm sáng tác cả. Cấm không được in báo, xuất bản sách. Cấm xuất hiện cái tên của mình. Lúc bấy giờ tôi phải trông vào bà vợ. Như ở trong tập Về Kinh Bắc mà tôi đã viết đấy: Bà vợ rất tốt, chịu đựng kham khổ, hy sinh cho chồng con. Lúc bấy giờ tôi tập trung được tình cảm và suy nghĩ của mình liền trong năm tháng trời viết xong tập thơ Về Kinh Bắc. Trần Dần cũng trong vòng nửa năm ấy viết được Cổng tỉnh. Lê Ðạt làm một loạt thơ về quê hương của mình, thuở thơ ấu của anh ấy tức là thời kỳ Yên Bái đấy, những bài thơ như là Lão núi, Ông lão chăn dê hay là Ông phó cả ngựa đều đã có bắt nguồn ngay thời bấy giờ. Chỉ có là về sau này anh ấy hoàn chỉnh lại thôi. Thế nghĩa là anh em không hề ngừng sáng tác, chỉ có điều là không được in thôi. Không được xuất bản. Ðấy là năm 59.

Sang năm 60 trở đi thì lại bắt đầu đi lao động. Anh Trần Dần và tôi lại vào cái xí nghiệp nhà máy gỗ Hà Nội, anh Trần Dần làm thợ cưa, còn tôi thì đứng máy, ở cái máy cưa.

T.K.: Thưa anh, về công việc sáng tác sau giai đoạn 60 thì ra sao?

H.C.: Về cái việc sáng tác, thì sau khi anh Trần Dần làm xong Cổng tỉnh, anh Ðặng Ðình Hưng  viết tập thơ đầu tiên trong cuộc đời anh ấy, đó là một tập thơ cực kỳ giá trị, tức là cái đầu ô, hay cái cửa ô, chưa xuất bản đâu, nhưng mà đấy mới thật là thơ Ðặng Ðình Hưng. Tôi thì Về Kinh Bắc, anh Trần Dần sau Cổng tỉnh lại tiếp tục, vào khoảng ngoài năm 60, 61-62 gì đó, anh ấy lại viết một tập thơ nữa là Mùa sạch. Và anh Lê Ðạt vẫn làm những bài thơ lẻ hoặc là những bài thơ dài, tức là mới phác thảo thôi, nhưng vẫn làm việc đều đều suốt từ năm 60 trở đi. Cho đến năm 75, số tác phẩm viết ra mà chưa được in ở mỗi người đề có là khá nhiều. Không hề là ngồi chơi không. Riêng anh Văn Cao thì lúc bấy giờ anh ấy có khuynh hướng muốn trở thành họa sĩ, anh ấy lại đi vẽ những minh họa, minh họa sách rồi minh họa trên báo. Riêng về thơ thì anh ấy không làm nữa. Cho đến khi phục hồi, lúc bấy giờ đều già cả rồi và Văn Cao thì cũng không còn một tình cảm nào say đắm về thơ như trước. Anh ấy vẫn làm thơ, nhưng riêng tôi  thì mình thấy là thơ Văn Cao như thế, so với thời kỳ Cửa biển tức là Những người trên cửa biển ấy, thì xuống. Ðến cái Cửa biển thì tôi cho là đến cái đỉnh cao của Văn Cao. Về sau, anh ấy vẫn làm nhưng không bằng Những người trên cửa biển.

Anh Trần Dần thì liên tục làm và anh ấy tìm tòi nhiều cách lắm. Sau đó anh ấy đi vào thơ mini, tức là có khi chỉ có một câu, hai câu, rất ngắn mà nó chứa đựng những tư duy rất hay và đặc biệt là ít lời, rất nhiều cảm xúc, rất nhiều trí tuệ.

Anh Lê Ðạt vô cùng chịu khó học tập. Có khi anh ấy vào thư viện suốt cả tháng, anh ấy ở thư viện đến 10 giờ đồng hồ một ngày, đọc sách  rồi nghiên cứu tìm tòi các thứ thơ văn cổ kim đông tây. Học rồi về nhà thì anh ấy lại làm. Có khi làm bài ngắn, có khi làm bài dài v.v… Và cuối cùng ra được tập Bóng chữ đấy. Nó chứng minh sự làm việc của anh Lê Ðạt rất công phu.

Anh Trần Dần cũng bị tật, sau khi bị cảm một trận năm 1974, anh ấy hơi liệt liệt, nhưng  vẫn sáng tác thơ như thường, chịu khó tìm lắm. Gần đây, anh ấy lại sưu tập lại rút ra ở tất cả thơ của anh ấy, những chỗ nào hay nhất để đưa vào từng vấn đề của một tư duy thơ, gọi là lẩy Trần Dần. Anh tự lẩy. Anh ấy đã cố đưa ra một thế giới gọi là thế giới Trần Dần, cái univers Trần Dần, thì tôi đã thấp thoáng thấy nó hiện ra qua cái lẩy Trần Dần.

Tóm lại, sự làm việc của anh em thời kỳ hậu Nhân Văn, tức là thời kỳ 58, 59, 60 cho đến 75 gần như là không ai nghỉ một tháng, một ngày nào mà không lo về việc thơ ca cả. Chỉ có từ 75 về sau này, tình hình nó cũng có đổi khác, nhất là đến năm 88, được phục hồi, chính thức trở lại sinh hoạt Hội Nhà Văn, cái đà sáng tác ở mỗi người nó lại dâng lên, thì anh Lê Ðạt cũng làm nhiều. Anh Trần Dần bắt đầu làm được một ít, thì chẳng may anh ấy lại bị bệnh khá nặng, cho nên là độ hai năm nay anh ấy không làm được gì nữa.

T.K.: Thưa anh, vừa rồi anh nói rất nhiều đến công việc sáng tác và tìm tòi của các bạn anh,thế còn công việc tìm tòi của riêng anh thì ra sao ạ?

H.C.: Tôi là người hết sức giữ cái sức khỏe, nhất là sức khỏe tinh thần của mình, cho đến hơi thở cuối cùng để mà làm công việc của thơ. Tức là để sáng tác. Ðể nghiền ngẫm. Ðể nghiên cứu. Ðể đọc tất cả những công việc về thơ. Tôi là mọt người mà chắc chắn là tôi còn đủ sức cho đến hơi thở cuối cùng để mà làm việc cho thơ.

T.K.: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Cầm .

Liên kết tĩnh Gửi bình luận

Sự hình thành Giai Phẩm Mùa Xuân – Pv Lê Đạt

Tháng Tư 26, 2008 at 6:02 chiều (. Lê Đạt, . Phan Khôi, . Phùng Quán, . Trần Dần, Nhân Văn Giai Phẩm)

Download file Audio

Nguồn Thụy Khê

Hầu như tất cả các tài liệu đều  thống nhất ở một điểm: Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bắt đầu hiện diện trên công luận với sự ra đời của tờ Giai Phẩm Mùa Xuân, nhưng trong “nội bộ”  những người chủ trương tờ báo này, mọi diễn biến đã xẩy ra như thế nào, tại sao lại có Giai Phẩm Mùa Xuân? Ðó là những câu hỏi mà nhà thơ Lê Ðạt sẽ trả lời sau đây.

Thụy Khuê: Thưa anh Lê Ðạt, nguyên do nào đã khiến anh trở thành một trong những người chủ chốt của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm?

Lê Ðạt: Tôi là một học sinh yêu nước cho nên khi Cách Mạng thành công thì tôi tham gia Cách Mạng ngay. Từ khi tham gia Cách Mạng, hầu như tôi đều hoạt động ở ngành Tuyên huấn, rồi sau này tôi lên hoạt động ở Tuyên huấn trung ương, trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì thế, tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với tất cả các anh em văn nghệ, từ lãnh đạo đến những anh em bình thường. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về phong trào văn nghệ vì xưa nay tôi vẫn là người thích làm thơ. Năm 50, khi ở chiến dịch Lào Cai, tôi có gặp một nhà thơ mà tôi chưa biết mặt, nhưng biết tên từ lâu, đó là anh Trần Dần. Trần Dần, tuy thơ thì chưa làm nhiều, nhưng là một người nổi tiếng vì những ý kiến độc đáo và kỳ cục của anh ta về thơ. Cho nên, khi gặp Trần Dần ở Lào Cai, chúng tôi đã bàn rất nhiều về thơ ca Việt Nam, và đi đến một nhất trí như thế này: anh Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, nhưng thi pháp của anh ấy, căn bản vẫn chưa ra khỏi thi pháp thời kỳ thơ mới năm 1930, và tôi với Trần Dần nghĩ rằng: chính mình phải làm một cái gì để đổi mới nền thi ca Việt Nam. Ðó là từ năm 1950. Chị nên nhớ lúc bấy giờ là đang kháng chiến mà người ta kháng chiến thì người ta bận tâm nhiều về chuyện đánh nhau, ít người nghĩ đến thơ như lũ hâm này, phải nói như thế! Tôi với Dần thì nói nhiều về Rimbaud, về Baudelaire, về Mallarmé… nhiều thứ lắm, nhưng hai người tập trung nhiều nhất nói về Maiakovski, tại vì Maiakovski lúc bấy giờ đang là ngôi sao sáng trên nền trời văn học cách mạng. Song nói rồi cũng để đấy thôi, rồi mỗi người lại đi theo công việc của mình. Ðến năm 54, khi hòa bình trở lại, chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, lại bàn tiếp giấc mộng thơ mới đó. Lúc đó, Trần Dần đã viết xong Người người lớp lớp và đang gặp khó khăn trong quân đội, về vấn đề các văn nghệ sĩ trong quân đội đấu tranh đòi có một kỷ luật sống, cho thích hợp với thời kỳ hòa bình. Lúc đó, Trần Dần cũng bị o ép rất ghê, anh Dần có bàn với tôi rằng: “Có lẽ ta nên tổ chức một buổi phê bình thơ Việt Bắc”. Tôi hoan nghênh lắm. Vì vậy, Trần Dần tổ chức một cuộc phê bình thơ Tố Hữu ở trong quân đội.

T.K.: Thưa anh, như vậy có thể nói là tất cả đều bắt đầu từ việc phê bình thơ Tố Hữu trong quân đội. Nhưng lúc đó anh không ở trong quân đội, phải không ạ?

L.Ð.: Lúc đó tôi đang học lớp tiếp quản để về tiếp quản khu 300 ngày ở Quảng Ninh. Trần Dần có nói với tôi rằng: thôi cậu đến “viện trợ” cho mình một tí, vì trong quân đội nó trật tự lắm. Hôm này có các ông quan to thì chắc là mọi người không dám phát biểu. Trần Dần cũng biết tính tôi là khi tôi nói thì tôi cũng không sợ gì ai cả. Hôm đến, tôi đã thấy ông Nguyễn Chí Thanh ngồi đấy rồi. Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ “nhỏ” hơn thơ Tố Hữu thời trước, thì đó cũng là một cách nói thôi. Sau đó, khi anh Thanh lên diễn đàn thì tôi thấy không khí im lặng cả, không ai nói gì nữa. Trần Dần đá chân tôi bảo: “Thôi, thế cậu lên đi.” Tôi lên nói một bài về thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Cuộc trao đổi ấy rất vui vẻ rồi ông Thanh cũng không nói gì nữa. Căn cứ trên cuộc thảo luận ấy thì anh em thấy là có thể có đủ bài để viết trên tạp chí Văn Nghệ mà lúc đó tôi là thường trực. Sau đó tôi có lên trình bày với anh Tố Hữu về tờ báo Văn Nghệ.

Ðã lâu lắm rồi anh em không gặp nhau. Phải nói rằng, tôi quan hệ với anh Tố Hữu từ thời kháng chiến, quan hệ rất tốt, nhưng mà từ hòa bình thì có hơi xa nhau. Lần này, sau khi nói chuyện với anh Tố Hữu một lúc, anh Tố Hữu có nói với tôi: “Ông vốn là người nhậy cảm mà tôi thấy có tập Việt Bắc mà ông không cho phê bình thì như thế là độ này Lê Ðạt nhạy cảm hơi kém rồi.” Lúc ấy, trong túi tôi đã có bài Hoàng Yến phê bình Việt Bắc, tôi chỉ cười, không nói gì cả và tôi nghĩ bụng: vâng, chắc anh sẽ xem được một loạt những bài phê bình Việt Bắc nhưng có lẽ ngoài ý muốn của anh. Sau đó tôi về tôi in bài của Hoàng Yến và tiếp sau đó là một loạt những bài phê bình Việt Bắc, thì tôi chắc là cái đó gây cho anh Tố Hữu nhiều bực tức lắm, tại vì các lời phê bình ấy thường thường là chê, mà ở nước Việt Nam thì người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ cả. Tôi làm Việt Bắc thì tôi được sự ủng hộ của anh Nguyễn Hữu Ðang vì Ðang lúc ấy đang ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ với tôi. Vụ Việt Bắc ấy kéo dài độ hơn một tháng, sau mọi người thấy là nên thôi, tại vì ông Lành (tên thật của Tố Hữu) cũng không chịu thua mà chúng tôi cũng không thắng, nhưng chắc là thơ ông Lành bắt đầu bị đặt vấn đề. Từ đó quan hệ của tôi với anh Lành hình như hơi khó khăn hơn.

T.K.: Từ vụ phê bình thơ Việt Bắc của Tố Hữu đến việc thành lập Giai Phẩm Mùa Xuân, mọi chuyện diễn tiến ra như thế nào, thưa anh ?

L.Ð.: Sau vụ Việt Bắc rồi thì Trần Dần, do lúc ấy có quan hệ với chị Khuê là vợ anh ấy bây giờ; chị Khuê là một người công giáo, cho nên người ta nghĩ rằng đó là một người công giáo cài lại làm gián điệp để tranh thủ anh Dần. Vì Trần Dần lúc đó còn ở trong quân đội nên Dần bị kỷ luật và người ta cấm trại không cho ra nữa. Ðó là lần anh Dần bị giữ lần thứ nhất, không bị giam. Trần Dần, sau đó, cũng được ra và rồi hai người, như trong truyện cổ tích, cũng lấy được nhau.

Trần Dần ra rồi, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện này: bây giờ làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ – nguyên tắc bấy giờ là tất cả các bài đều bị kiểm duyệt cả. Tôi chủ trương tập này phải là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về bài của mình và không có kiểm duyệt gì cả. Tôi có bàn với Dần, Cầm, với Văn Cao, Tử Phác và mấy anh hội họa nữa là Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng. Lúc đó thì chưa tìm được chữ gì hay lắm. Tôi cũng không thích chữ Giai Phẩm tại chữ Giai Phẩm có vẻ Tự Lực Văn Ðoàn, nghe chữ ấy nó sang trọng quá tôi cũng không thích. Nhưng lúc đó vì ý kiến anh Minh Ðức là nhà xuất bản tập thơ ấy và anh Ðang cũng thích chữ ấy. Trước tôi định cái tít là “Thơ năm người”, nhưng người ta bảo thế là “gây sự” quá, thì sau cũng đành lấy chữ Giai Phẩm.

Ngay lúc đó xẩy ra vấn đề Phùng Quán: Phùng Quán thì không dính dáng gì đến lớp chúng tôi cả. Phùng Quán lúc ấy – theo lối nói Việt Nam – mới chỉ là “đàn em” thôi, thế nhưng Phúng Quán lúc đó rất nổi tiếng vì quyển Vượt Côn Ðảo, chứng tỏ Phùng Quán có óc tưởng tượng rất phong phú. Một hôm Phùng Quán đến tôi chơi, tôi thấy một anh bộ đội trẻ, xưng với tôi em là Phùng Quán. Sau đó anh em ngồi chơi, nói chuyện với nhau, thì Phùng Quán có đọc cho tôi nghe mấy bài thơ trong đó có bài Công nhân hót rác, nghe, tôi cũng thấy vui lắm, tôi bảo: “Chúng anh sắp ra một quyển Giai Phẩm Mùa Xuân, thế Quán có muốn tham gia không?” Tôi không ngờ lời nói đùa ấy đã rẽ Quán sang một bước ngoặt của đời Quán. Quán nói rằng: “Em thích lắm, tất cả các anh em đều quý cả, để em tham gia với.” Tôi lấy bài của Quán, nhưng khi đến bàn với anh em thì tôi gặp sự phản đối, nhất là anh Văn Cao. Anh Văn Cao nói rằng: “Quán nó không thể ngồi cùng chiếu với mình được!”. Tôi cười, tôi nói với anh Văn Cao rằng: “Ðây là chỗ anh em với nhau chứ không phải chiếu tiên chỉ, thứ chỉ gì mà chúng ta đối với nhau trật tự quá như thế”. Tôi không ngờ câu nói đùa đó sau sẽ cứ đeo bám anh Văn Cao suốt một cuộc đời. Và từ đó người ta đều gọi anh Văn Cao là tiên chỉ. Ý kiến của tôi dĩ nhiên được anh Dần, anh Cầm đều ủng hộ cả, thì anh Văn Cao phải thua thôi. Vì thế trong Giai Phẩm Mùa Xuân lại có một người rất trẻ là Phùng Quán.

T.K.: Thưa anh, trước khi tiếp tục câu chuyện, xin anh xác định lại một lần nữa: Phong trào của các anh là tự phát chứ không dính dáng gì đến Liên Xô và Trung Quốc cả.

L.Ð.: Hoàn toàn không có dính dáng gì đến Liên Xô và Trung Quốc cả. Tại vì, như tôi đã nói, lúc đó thì anh em bàn với nhau là làm một tập tự do sáng tác cơ mà. Giai Phẩm Mùa Xuân ra – nếu tôi nhớ không lầm – tháng giêng năm 1956, mà đến tháng 5/1956 mới có phong trào Trăm Hoa Ðua Nở ở Trung Quốc. Vậy không có lý do gì một phong trào có sau lại ảnh hưởng đến phong trào có trước cả. Và lúc đó phải nói thật là chúng tôi cũng chưa nghĩ gì sâu xa lắm đâu, lúc đó tôi còn quá trẻ, chị Thụy Khuê ạ, tôi mới 26, 27 tuổi, tôi chỉ nghĩ rằng: anh em bây giờ ở trong điều kiện hòa bình thì phải chống lại vấn đề kiểm duyệt, nó khe khắt quá và hai là chống lại thứ văn nghệ độc tôn, thực hiện tự do sáng tác, tôi thấy vấn đề rất đơn giản: mỗi anh sáng tác một bài và chịu trách nhiệm bài viết của mình. Chúng tôi cũng chưa nghĩ là mình làm cái việc tày trời như thế, chuyện ấy nó sẽ đến sau, cho nên tôi cũng chẳng bận tâm gì đến Trăn Hoa Ðua Nở, tôi cũng chẳng bận tâm gì đến ông Hồ Phong, nhưng mà nếu nói đến một cái ảnh hưởng gì đó của Nga, thì đó không phải là ảnh hưởng của phong trào nào của Nga mà là ảnh hưởng một nhà thơ Nga mà tôi rất yêu mến, đó là Maiakovski. Như thế không thể gọi là ảnh hưởng phong trào này kia được. Hai là anh Cầm thì cũng không ảnh hưởng gì Maia cả, chỉ có tôi với Dần là ảnh hưởng Maia thôi, nhất là Văn Cao cũng chả ảnh hưởng gì của Maia cả, lại có cả anh Nguyễn Sáng và Sỹ Ngọc là những người của hội họa. Mà anh Sáng viết bài thơ thì xin lỗi, rất trung bình. Cho nên anh em là vui với nhau để chứng tỏ rằng những người nghệ sĩ, những người sáng tác có quyền sáng tác một cách tự do.

T.K.: Sau khi Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, tác dụng của nó đối với người đọc như thế nào, thưa anh ?

L.Ð.: In ra được một tuần thì thấy ảnh hưởng của nó ghê gớm quá, tôi với anh Trần Dần cũng không ngờ. Ði đâu lúc bấy giờ cũng thấy người ta nói đến câu thơ của Trần Dần:

Tôi bước đi không thấy phố

không thấy nhà

chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ

và câu thơ của tôi mà sau này cụ Phan Khôi cụ đã bình luận. Sau này tôi sẽ nói về chuyện đó. Nhưng mà đồng thời dông bão cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện ở trên vòm trời rồi.

Hôm tôi đến hội, tôi gặp cụ Phan Khôi. Cụ Phan Khôi bảo: “Này, gay go đấy nhé!” Tôi bảo: “Cái gì mà gay go hở cụ?”

– Hôm nọ Tố Hữu đến đây phê phán Giai Phẩm Mùa Xuân nặng lắm và nói rằng: “Lũ này là lũ phản động“, thì tôi có nói rằng: “Phản động hay không phản động chưa biết, cứ biết rằng người ta nói mình không bằng lòng thì mình viết, rồi để cho người ta trả lời”, thì Tố Hữu nói ngay rằng: “Thừa giấy cho chúng nó viết à?” Phan Khôi không nói gì nữa.

Phan Khôi bảo tôi: “Cẩn thận!” Rồi chúng tôi chia tay nhau.

Lúc đó đi đâu cũng thấy người ta nói đến Giai Phẩm Mùa Xuân. Bấy giờ là gần Tết rồi và hôm ấy, vào khoảng độ 28 Tết, trên đường đi tôi gặp một người liên lạc của tôi, đang chạy xe đạp đi các phố để tìm tôi, bảo rằng: “Anh Tố Hữu có điện đi tìm anh và nói rằng mời anh lên Tuyên Huấn để kiểm thảo”. Phản ứng đầu tiên là tôi rất bực mình. Tôi cũng là một người như mọi người khác, thì phải để cho tôi ăn Tết chứ? Tôi bảo với cậu liên lạc là: “Bây giờ em về, em cứ nói với cơ quan là không tìm thấy anh, rồi sau Tết anh sẽ lên”.

Tôi nghỉ ăn Tết xong, mùng 5 Tết tôi lên gặp Tố Hữu. Lên, thì lúc ấy Tố Hữu ở trên gác, một anh chánh văn phòng xuống gặp tôi, nói rằng: “Anh đợi một lúc, anh Tố Hữu sẽ xuống!” Tôi phải nhắc lại với chị một lần nữa: Tôi là người trong suốt thời kháng chiến ở Tuyên huấn, cho nên tôi về Tuyên huấn như là tôi về nhà tôi vậy. Nhưng mà tôi thấy sao hôm nay về nhà mình, ngạc nhiên lắm, thấy cái nhà không phải là nhà mình nữa, trông nó lạnh lùng mà nó khác hẳn rồi. Ngồi ghế đợi, thì tôi thấy quyển Giai Phẩm Mùa Xuân để trên bàn, bài Nhất định thắng của Trần Dần với rất nhiều câu hỏi của anh Lành đánh bằng bút bi đỏ, ở chung quanh, nói ghê lắm, và còn bài Ông bình vôi của tôi, thì bên cạnh câu: Bay cho cao, bay cho xa, anh Tố Hữu có đề câu hỏi: Bay đi đâu? Có phải bay vào miền Nam không? Tôi thấy tình hình gay go rồi: Mình làm chuyện sáng tác nhưng tự nhiên các ông ấy lại gắn vào cái chính trị, ngoài ý muốn của mình. Nhưng lúc ấy tôi chưa sợ. Tôi không có lý do gì mà sợ cả. Tôi vẫn tin ở sự trong sáng của mình và lúc ấy tôi vẫn tin vào sự trong sáng của Ðảng.

Giai Phẩm Mùa Xuân ra vào tháng giêng, tháng hai, thì như thế là vào khoảng cuối tháng hai tôi đã bị gọi lên Tuyên Huấn, chị thấy là tác động nó rất nhanh. Lúc đó tôi thấy anh Tố Hữu đi trên gác xuống, lần này anh Tố Hữu gặp tôi khác lắm, không chào hỏi gì cả. Và anh rút bao thuốc lá Trung Quốc trong túi ra anh ấy hút mà anh ấy không mời tôi.

Câu đầu tiên anh nói với tôi rất lạnh lùng: “Các anh muốn gì?” thì tôi hơi bực mình, tôi trả lời: “Chúng tôi chẳng muốn gì cả, chúng tôi chỉ muốn làm văn nghệ. Anh Tố Hữu này, chúng ta vẫn còn là đồng chí với nhau, cho nên anh không thể xử sự với tôi như người ngoài được. Có gì anh cứ nói một cách bình tĩnh.” Lúc ấy anh Tố Hữu nghĩ thế nào mới rút một điếu thuốc lá mời tôi và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Câu đầu tiên mà anh Tố Hữu nói là: “Tôi rất lo cho tương lai chính trị của anh. Anh thì còn là người ở trong nội bộ, còn Trần Dần là hỏng rồi. Chúng tôi đã có tài liệu rằng Trần Dần là có bàn tay của địch dúng vào. Vì anh còn là người của nội bộ cho nên chúng tôi mời anh đến đây kiểm điểm. Anh phải ở lại đây 15 ngày để kiểm điểm và để thấy rõ bộ mặt phản động của Trần Dần.”

Thế là tôi ở lại đấy ăn cái Tết kiểm thảo 15 hôm. Tôi không phải làm việc gì cả, tức là theo cái cách ở Việt Nam người ta làm, anh cứ ngồi đấy “suy nghĩ” về những lỗi lầm của anh. Anh viết về những sai sót của anh. Lẽ dĩ nhiên, lúc đó anh Lành cũng không gây áp lực gì nhiều lắm đối với tôi. Tôi có nói với anh Lành thế này: “Tôi không thể căn cứ vào tác phẩm của anh Dần mà đi đến kết luận là anh ấy là phản động được. Dù anh có kéo dài nửa tháng hay một tháng cũng thế thôi: Không thể căn cứ vào tác phẩm của ai mà kết tội người ta là phản động được. Phản động là thuộc phạm vi của công an”. Sau đó 15 ngày thì có một cuộc hội nghị rất lớn, hầu hết các nhân vật sừng sỏ nhất của Tuyên huấn, nào là anh Kỉnh này, Kỉnh là trung ương ủy viên và là phó ban Tuyên huấn, Nguyễn Chương này, Nguyễn Chương cũng là một tay kỳ cựu mà sau này có lôi thôi với Nguyễn Hữu Ðang trong vấn đề Nhân Văn. Cả thiếu tướng Lê Trưởng, … nhiều, nhiều lắm. Cuộc họp rất to, mà ở bên này chỉ có tôi thôi (cười). Một người thì không thể nào cãi lại được tất cả mọi người. Nhưng tôi cãi được một điểm duy nhất mà tôi có thể cãi lại, và tôi cho là đúng, đó là:” Tôi không thể nào căn cứ vào một văn bản mà kết luận một người là phản động được”. Lúc đó anh Tố Hữu nói: “Thôi được rồi, để anh suy nghĩ thêm, nhưng tổ chức đã có tài liệu.” Thì tôi nói: “Tổ chức đã có tài liệu thì tôi còn phải kiểm điểm gì nữa.” Tóm lại, cuộc đấu tranh rất căng thẳng. Sau đó, tôi được thả về vì đến đấy coi như đã xong và anh Dần cũng đã bị bắt rồi. Tức là cùng lúc tôi bị gọi lên kiểm điểm ở Tuyên huấn thì anh Dần bị bắt ở chỗ Cải cách ruộng đất. Trần Dần bị bắt cùng với Tử Phác, trong khi hai người đang đi thực tế học tập về chính sách Cải cách ruộng đất. Ba hôm sau, anh Dần cứa cổ tự tử, người ta buộc phải giải quyết vấn đề tức là cho anh Dần ra bệnh viện để chạy chữa và khuyên anh ấy không nên làm như thế. Vì vậy trong hình của Trần Dần trên báo Nhân Văn, Nguyễn Sáng có vẽ một vết sẹo ở cổ, chính là cái vết tự tử bằng mince lame trong cuộc bị bắt ấy. Rồi Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu và tự nhiên người ta gọi chúng tôi là nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân.

Liên kết tĩnh Gửi bình luận

Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập

Tháng Tư 25, 2008 at 6:18 chiều (. Nguyễn Hữu Đang, . Phùng Quán)

Trích Ba phút sự thật – Phùng Quán

Tôi là người viết văn nhưng lại đặc biệt say mê nghệ thuật kiến trúc. Đầu năm 1990, Đại hội kiến trúc sư toàn quốc, tôi có gửi một bức điện 300 chữ, chào mừng Đại hội. Mở đầu bức điện văn, tôi viết: “Nếu đất nước xây dựng một Đền đài Nghệ thuật, tôi xin được làm thủ từ. Ngày Lễ hội, tôi xin được trải chiếu để văn nghệ sĩ ngồi. Chiếu một tôi dành riêng cho các kiến trúc sư. Vì các anh chị là những người trước tiên đem lại vinh quang, niềm tự hào hoặc ô nhục cho xứ sở, bằng chính các tác phẩm kiến trúc của mình…”. (Ở nhà tôi, ngoài những) (1) Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Đền Ăngco, Chùa Vàng Miến Điện, Cố cung, Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn… tôi có chừng vài chục tấm hình cắt ra từ các báo như Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Hà nội Mới… chụp cảnh Lễ đài Độc lập với tổng thể vườn hoa Ba Đình trong ngày Mồng hai tháng Chín năm Một nghìn chín trăm bốn lăm. Mỗi lần ngắm nhìn cái công trình kiến trúc mỏng mảnh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ – nếu chậm lại một giờ là hỏng – rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ. Lòng tôi dâng trào biết bao niềm cảm xúc và suy tưởng miên man… về Tổ quốc và Nhân dân, về Cách mạng và Khởi nghĩa, về máu xương của lớp lớp anh hùng hào kiệt đã thấm đẫm giang sơn kể từ khi trên mặt đất xứ sở Việt nam xuất hiện công trình kiến trúc mỏng manh này. Nó biến khỏi mặt đất, nhưng tầm vóc, hình dáng cùng với tổng chể kiến trúc của nó, đã tạc khắc đời đời vào kí ức của cả dân tộc…

Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, một biển người vừa bước từ đêm dài trăm năm nô lệ ra bình minh Độc lập Tự do, cờ hoa trong tay và câu hát trên môi… Người Hiệp sĩ vĩ đại của Nhân dân và hai triệu người chết đói, bước vào tuổi năm mươi lăm, râu đen, mắt sáng, lễ phục kaki… đứng trên lễ đài, mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng…”

Ai có thể tái tạo công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập cùng với tổng thể kì vĩ đó? Không một ai! Kể cả thánh thần… Theo ngu ý của tôi, Lễ đài Độc lập là cái cột mốc giữa đêm dài trăm năm nô lệ và bình minh của Độc lập Tự do của cả dân tộc. Kể từ khi trên mặt cỏ nắng Ba Đình mọc lên cái cột mốc này, số phận của cả dân tộc đã thay đổi, và số phận nhỏ bé, hèn mọn của cả thằng tôi cũng đã thay đổi. Từ một đứa trẻ chăn trâu mù chữ (… tôi đã trở thành) một nhà văn… Cũng từ cái mốc kiến trúc mỏng manh này, cả dân tộc đã xuất phát, bước vào cuộc trường chinh sáng láng nhất, lâu dài nhất và dữ dội nhất của thế kỉ, với gánh nặng lịch sử trên vai:

“Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”(2).

Ngắm nhìn một công trình kiến trúc như vậy, những người lính già dãi dầu chiến trận chúng tôi, làm sao không ứa lệ tự hào?
*
Vậy ai là tác giả cụ thể công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập? Từ mấy chục năm nay, tôi luôn bị thôi thúc bởi niềm mong ước tìm hiểu cho ra. Nhưng cái khó bó cái khôn, và trong điều kiện và hoàn cảnh trắc trở của đời mình, tôi không sao thực hiện nổi niềm mong ước đó.

Thế rồi cách đây ba năm, tôi được một người bạn tặng tôi những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử mồng 2 tháng 9.1945 anh vừa tìm thấy trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt nam, và kho Lưu trữ Quốc gia. Trong số những bản sao chụp, có mấy tư liệu tôi đặc biệt chú ý:

Thư của Bộ tuyên truyền có tiêu đề VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ đề ngày 31.8.1945 gửi Thị trưởng Hà nội, về việc tổ chức Ngày Độc lập (Đây là bản chính được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130×210 mm, đóng dấu tròn với dòng chữ “Ngày Độc lập” và C.P.C.H.D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên dòng chữ BAN TỔ CHỨC). Nội dung thư:
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà nội,
Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2-9-1945 một “Ngày Độc lập”.
Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”

 
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà nội,
Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận.
Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”

Một thư khác của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền, đề ngày 31.8.1945. Hình thức và con dấu như trên. Nội dung thư:

 
“Kính gửi ông Thị trưởng Hà nội,
Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2-9-1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.
Kính thư,
Nguyễn Hữu Đang”

Một thư khác, hình thức, tiêu đề và con dấu giống hai bức thư trên, với nội dung:

 
Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại còn có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. – “Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó?”. “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch đã in sai nhiều quá” .

Sau khi đọc kỹ những tư liệu trên, tôi suy luận: ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập, vậy chắc ông phải biết ai là tác giả công trình kiến trúc Lễ đài. Cần phải tìm gặp ông để hỏi cho ra.
***
Anh Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được chuyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê nguời, đầu không khiến mà chân cứ rụt về tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm trinh sát mỗi lần được Chính uỷ Sư đoàn hỏi chuyện. Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của Đất nước: 2-9-1945.

 
Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó không?”
Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể tôi muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết. Tôi nói khó với vợ: “Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này; lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang…” “Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”. “Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá… đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mình…”. “Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”. “Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”. Vợ tôi đành trao cho tôi nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhẫn nhịn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào một việc không đâu! Tôi vội nhét mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.
***
Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp… sáng 26 Tết, tôi có mặt tại thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở văn hoá và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ: “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó…”. Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt chó luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ bật dậy nói với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”. Anh bạn trẻ đi đến gặp anh ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “Cám ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi (3) rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ công tác ở đâu ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà nội… về hưu đã gần chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc để biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết…”. Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương… cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về đó cũng vất vả đấy…”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi… Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy cách đây mấy năm ông Đang này tự tiện đi sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về…”. Tôi tỏ ý sợ hãi gãi đầu gãi tai: “Chà… biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa… đem tiền về trả lại thôi…”. Anh cán bộ xuê xoa: “Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào li rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh…
*
Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường cũng như bớt xa… Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp I, II xã Vũ Công – Nơi anh Đang tá túc – tôi vào cái quán bên đường uống li rượu cho ấm bụng. Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu tràn li và nói: “Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đấy, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tằn tiện khét tiếng cái xã Vũ Công này. Mới cách đây dăm hôm, ông ấy đèo sau xe cái rỏ tre ràng buộc rất kỹ. Ông ấy kể với tôi tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phè phè bò vào nhà mình. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên chợ bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá…”. Tôi bật phì cười: “Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mini những mười mấy cây số để đổi lấy mấy lạng mỡ lá… Vui thật! Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt hiện ra trong trí nhớ tôi: Cuộc đời vui quá không buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm li rượu nữa, giọng hào hiệp: “Li này tôi đãi cụ!… Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ tam xà!”. Tôi cười ngất.
Anh Đang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi: “Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết…”. Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như vòng cùm sắt; chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng hình chữ C viết nghiêng… Tôi chợt nhớ cách đây rất lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể. Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng… Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất kì một nhà tư sản Hà nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng… Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ, không con, không cửa không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ – chẳng hiểu để làm gì – như người bõ già trong truyện “Hương cuội” của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên… Miên man nghĩ như vậy và tôi bật phì cười… “Anh Đang!”, tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt, răng vàng sỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng… “Phùng Quán! Chú về đây từ lúc nào thế?”. Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ…
*
Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng chỉ khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai. Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu – trâu gõ mõ, chó leo thang – anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém… Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ cô độc. Chính giữa gian chái kê cái tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như khoá nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp quần áo cũ làm gối… Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Anh nói, giọng Lão Trang: “Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn hai chân nó là một con người”. Trên mặt bàn xếp kín những chai lọ, vỏ đồ hộp, hai cái đèn dầu làm bằng lọ mực Cửu Long, vài con dao làm bằng mẩu lưỡi liềm gẫy, và ba bốn cái bát hương, nắp đậy là những viên gạch vỡ. Anh chỉ nắp đậy, giới thiệu với giọng trang trọng của thuyết trình viên giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng nghệ thuật: “Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ, sức nặng và độ bền của nó làm cho các loại chuột, mối, dán phải vị nể”. Bây giờ tôi mới hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì. Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ… Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lớp bụi tro… Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. Anh giải thích: “Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang – anh cười – Chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng. Trong việc dở nào cũng có việc hay, và ngược lại”. “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn”. “Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam hẳn hoi, quà của Hội Nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái… Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”. Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khoá tủ tìm chai rượu. Tôi liếc nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách… ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa: “Đây rồi! Bây giờ già hoá ra lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quí tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quí cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quí”. Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: “Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà em không biết. Trên nhà em, các bạn đến chơi, hút các loại thuốc lá ngoại hảo hạng, vỏ bao vất lung tung, vợ em ngày nào cũng phàn nàn vì phải dọn nhặt đem đốt”. Anh kêu lên: “Thế có tiếc không! Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô, có vỏ bao thuốc là ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy…”. “Hàng đối lưu?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Để tôi dọn cơm cho ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học”. Tôi ngắm nhìn căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi: “Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?”. “Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó một thời gian. Nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai ba tạ thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết, Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà nội biếu các chú… Khi bắt tay vào việc dịch thuật lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu âm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn”.
***
Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ dán. “Đây là bàn ăn – anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng – Còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân mình nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt như thế này mà đem quẳng bụi tre… Tôi nhặt về, cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”. Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào một đĩa, giới thiệu thực đơn: “Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái. Nhờ ăn thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khoẻ, còn khoẻ hơn cả chú”.
Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn mất một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc. “Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường bỏ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh tuý của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm”. “Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?”, tôi hỏi. “Ấy chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp. Mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi đều nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc, nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số  đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái. Các loại khác 2 cóc, 3 nhái. Bởi vậy tôi mới nói là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp… Hôm nào chú về tôi gửi biếu cô, chú Cung(4), mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!”.
Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi: “Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây, vào lúc tết nhất sắp đến nơi?”. “Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà nội, chúng em rất lo. Không biết anh ốm đau gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khoẻ mạnh, em rất mừng… Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi gì lại cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được…”. Tôi lấy đưa anh xem số tài liệu liên quan đến ngày Đại lễ mồng 2 tháng 9 năm 1945, vừa sao chụp: “Em suy luận ra anh là Trưởng ban Tổ chức Ngày Độc lập như trong tư liệu hiện còn giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỉ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất… mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin”.
Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành… Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:
“Thấm thoắt thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua… Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8… Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một… Năm đó tôi bước vào tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào… Hôm đó, tôi có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ chụp lấy tay tôi, nói: “Anh vào ngay đi, cụ Hồ đang đợi anh trong đó”. Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi… Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua… để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”. Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.
“Như chú biết đấy – giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông cụ động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kì tích, những chiến công thật vang dội… Tôi nói với ông Cụ: “Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”. Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng… Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: “Chú còn cần gì nữa?”. “Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền…”. “Quyền gì, chú cứ nói đi!”. “Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của…”. “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.
– Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn – anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa rồi kể tiếp – Nội dung như sau: ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng tít thật lớn chạy hết trang báo (… mất một dòng… ) ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận: “Biết bao anh hùng, liệt nữ đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, đâu có lấy giấy biên nhận”, họ nói vậy. Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt tại đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó? Một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là hoạ sĩ Lê Văn Đệ (5). Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay hoạ sĩ, nói: “Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể… Nói ví dụ nếu như không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần một kiến trúc sư phối hợp với anh”. Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề, từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh(6), cùng hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải cuộn giấy can cầm sẵn trên tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ… Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát v.v… Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút kí duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh: “Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh (Các anh cần gì, chúng tôi) sẽ lo chạy đầy đủ. Hiện nay chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ (7), cần dùng bao nhiêu các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 9, tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.
Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như Cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng hai tháng Chín tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà”.
*
“Ông Đang ơi! Ông Đang ơi!”, tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé chạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “Các cháu định đổi như thế nào?”. “Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói vá dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi, thì ông cũng đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi”. Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm lấy cái vỏ bao xem lại, cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.
Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào chú sẽ thấy tăng lực gấp đôi, có thể đạp xe một mạch lên đến bến phà Tân Đệ”.
*
Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỉ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện nay tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây… Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” Cụ Hồ viết… còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu… Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản “Tuyên ngôn”, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng… như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo tàng Lịch sử, không có bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập”… Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”… Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp: “Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không?”, không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà nội… Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh… Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết… Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy…”.
Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi… Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai… Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay…”
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là bị cảm… Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:
Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu
Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lương
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn!

Tháng 12.1992 ( 8 )

PHẦN VIẾT THÊM
Nấn ná mãi, sáng 27 Tết tôi phải rời thôn Trà Vy trở về Hà Nội. Đạp xe ngược gió trên con đường đất sống trâu dọc bờ sông Máng, tôi bỗng thấy lạnh kinh khủng. Hai ba lần, tôi ngoái lại nhìn làn khói mỏng trên cái chái bếp, bên dưới làn khói đó là một bậc hào kiệt của đất nước đang ngồi trầm tư vì thế sự giữa một đống giẻ rách, dép lốp đứt quai, đinh còng queo, chai lọ bụi bám đáy, những cái vỏ lon bia, những mẩu sắt han rỉ chẳng biết để làm gì. Hai mắt tôi tự nhiên cay lệ. Tôi chỉ muốn quay xe lại với anh nhưng sợ anh mắng. Từ chiều hôm qua, anh giục giã tôi suốt: “áng mai chú phải về Tết nhất đến nơi. Chú không thể để cô ấy cúng tất mên một mình như cảnh nhà những người góa bụa cô đơn…”.
Đăm đăm nhìn anh, tôi tự hỏi: “Trên thế gian này, không biết còn ai cô đơn hơn anh?”. Tôi khẩn khoản: “Anh cùng về Hà Nội với em, ăn Tết cùng với nhà em, nhà anh Cung có vui hơn không?”. “Chú cứ về trước đi, chậm lắm sáng mồng hai Tết, tôi sẽ có mặt ở nhà chú hoặc ở nhà chú Cung”.
“Nhưng anh còn vướng víu gì ở đây mà không về cùng với em được?”. “Chuyến này lên Hà Nội tôi sẽ ở lại. Tôi muốn tìm gặp lại anh em thời Truyền bá quốc ngữ xem ai còn ai mất, hên hệ với những anh em hiện đang sống ở nước ngoài như Hoàng Xuân Hãn. Ông ta có công lớn lắm đấy. Ông được Hội giao soạn thảo học chữ quốc ngữ theo lối mới, làm sao cho dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ và ông đã soạn thảo rất thành công. Tài tình nhất là ông đã vần vè hóa được cách nhận diện các chữ cái:
“i t giống móc cả hai
ngắn có chấm, t dài có ngang”

hoặc:
“O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu”


Tôi ngạc nhiên: “Hồi còn đi giữ trâu ở làng quê em học truyền bá quốc ngữ cũng thuộc lòng những câu vần vè đó. Nhưng em thật không ngờ tác giả của nó lại là nhà toán học nổi danh Hoàng Xuân Hãn”. “Đó chính là tấm lòng thương nước, thương dân của người trí thức chân chính”. Anh nói thêm: “Tấm lòng của họ đối với nước, với dân trong suốt như thuỷ tinh, không gợn một chút bợn đặc quyền đặc lợi. Lần này lên Hà Nội, tôi có một mục đích là tổ chức một cuộc gặp gỡ những người trước đây tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ. Chúng tôi sẽ ôn lại hồi ức và viết hồi ký. Mà muốn làm như vậy thì phải có…
(Bài viết đến đây thì dừng vì Phùng Quán bệnh nặng không còn sức để viết tiếp)


(*) Bài viết trên được Phùng Quán viết xong tháng 12.1992, đến tháng 1.1995, trong lúc nằm trên giường bệnh, chưa hài lòng với những gì đã viết, Phùng Quán viết thêm bằng bút chì trong tư thế nằm ngửa viết lên giấy đặt dưới tấm ván treo úp xuống trước mặt ở đầu giường. Đây chính là những dòng cuối cùng của Phùng Quán. Di cảo do bà Vũ Thị Bội Trâm, vợ nhà văn Phùng Quán cung cấp (BT)

Chú thích:
(1) Bản in này căn cứ vào bản sao ảnh bản thảo 19 trang viết tay của Phùng Quán, Một vài trang chụp thiếu một hai dòng chót. Chúng tôi phải ghi (… mất một dòng… ), hoặc khôi phục đoạn câu bị mất đi, nhưng vẫn để trong ngoặc. (BT)
(2) Thơ Tố Hữu
(3) Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm, thơ Đỗ Phủ
(4) Phùng Cung, nhà văn
(5) Họa sĩ Lê Văn Đệ ( theo tạp chí Bách Khoa Sài Gòn 1963) sang La Mã, được phong họa sư, được chính Giáo hoàng Pie Xl giao cho trang hoàng điện Vatican.
(6) Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sau này có thời là thứ trưởng Bộ Xây dựng.
(7) Số len này lấy được ngày 19-8-1945, khi tấn công chiếm Trại lính khố đỏ ở phố Hàng Bài. (Chú thích của tác giả)
( 8 ) Năm 1993, ông Nguyễn Hữu Đang đã được Nhà nước cấp nhà ở Hà Nội và được hưởng iương hưu. Nhưng qua bài viết này giúp cho độc giả hiểu thêm về một chi tiết cụ thể của lịch sử Cách mạng tháng Tám và tấm lòng của nhà văn Phùng Quán. (Chú thích của Ngô Minh)

Liên kết tĩnh Gửi bình luận