Sự thành lập Nhân Văn và vai trò của Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang và Thụy An trong tờ Nhân Văn. – Pv Lê Đạt

Tháng Tư 26, 2008 at 5:51 chiều (. Lê Đạt, . Nguyễn Hữu Đang, . Phan Khôi, . Thụy An, . Trần Thiếu Bảo, Nhân Văn Giai Phẩm)

Download file Audio

Nguồn Thụy Khê

Nếu Giai Phẩm Mùa Xuân dựa vào một nhóm văn nghệ sĩ thuần túy, thì tờ Nhân Văn có những khuôn mặt chính trị. Sự buộc tội nặng nề nhất của nhà cầm quyền hướng về “những tên đầu sỏ” Phan Khôi, Thụy An, Nguyễn Hữu Ðang, Trần Thiếu Bảo, Lê Ðạt… Nhưng sự thật ra sao? Ai là “đầu sỏ”? Phan Khôi, Thụy An, Nguyễn Hữu Ðang, Trần Thiếu Bảo.. làm gì trong tờ Nhân Văn?Lần đầu tiên Lê Ðạt trả lời công khai về  những sự kiện này.

Thụy Khuê: Thưa anh, có thể nói giai đoạn thứ nhì của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bắt đầu từ sự ra đời của tờ Nhân Văn, vậy thưa anh, báo Nhân Văn đã ra đời trong hoàn cảnh nào, ở thời điểm nào và do ai chủ xướng?

Lê Ðạt: Tháng 5 năm 1956, bắt đầu ở Trung Quốc có phong trào Trăm Hoa Ðua Nở thì ở Việt Nam cũng bắt đầu có cuộc học tập văn nghệ về vấn đề dân chủ. Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang. Và tôi phải nói về anh Ðang như thế này: Anh Ðang là người hoạt động lâu năm ở trong Ðảng, nhưng đã từ lâu – hình như có cái gì không bằng lòng mà trong danh từ của chúng tôi người ta thường gọi là “bất mãn” – anh không hoạt động nữa. Lúc bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng có đón anh ấy ra để làm báo Văn Nghệ, cùng với tôi. Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: “Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm”. Ðó là lời nói của Ðang như thế. Trong tất cả các anh em Giai Phẩm Mùa Xuân chỉ có tôi là biết Ðang thôi, nhưng do việc họp văn nghệ như thế thì Ðang cũng dần dần biết anh em chúng tôi nhiều hơn, tiếp xúc với nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân nhiều hơn, nhưng Ðang cũng chỉ thân với tôi thôi. Thế còn Trần Dần, Văn Cao, và các anh em… cũng không thân gì với Ðang lắm.

Ðang nói với tôi: “Thế nào cũng phải ra báo và ra báo thì chắc là tụi mày phải làm thôi.” Vì tình hình Trung Quốc họ làm như thế, cho nên ở Việt Nam cũng có cởi mở hơn về vấn đề dân chủ, tháng 9 năm 1956, cho tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân. Như thế bước đầu, có thể gọi là một thắng lợi. Và trong tình hình sôi sục như thế Ðang có đề nghị ra một tờ báo, tờ báo này chính là tờ Nhân Văn.

Tờ Nhân Văn thì không do tôi đặt tên, điều đó chắc là rõ ràng rồi. Và khi Giai Phẩm Mùa Xuân được tái bản thì lập tức nó đẻ ra một loạt những giai phẩm khác: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông và bên phiá sinh viên, là tờ Ðất Mới. Tức là lúc đó tự nó hình thành một phong trào rộng lớn của trí thức miền Bắc: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông, Ðất Mới… Vì người ta tôn trọng Giai Phẩm Mùa Xuân mà thực tế cũng là thế, nên người ta vẫn cho rằng, chính cái gốc của tất cả những giai phẩm này cũng như của Ðất Mới là Giai Phẩm Mùa Xuân. Lúc đó, anh Minh Ðức có nói với tôi rằng: “Hay là bây giờ anh chịu trách nhiệm Tổng biên tập tất cả các giai phẩm này”, thì thôi nói: “Tôi bận quá, tôi không thể làm được”. Sau đó các anh ấy làm với nhau thôi, chắc là một phần là anh Ðang, một phần là các anh ấy làm, tôi không làm.

T.K.: Thưa anh, tất cả các Giai Phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu, Ðất Mới, … này ra đời, là một hiện tượng bộc phát hay là có sự bàn bạc chung giữa các anh chị em tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm?

L.Ð.: Cái đó không phải là bàn bạc gì với nhau, nhưng mà tự nhiên nó hình thành một phong trào đòi hỏi dân chủ và cách tân văn hóa ở miền Bắc, tập trung chung quanh Giai Phẩm Mùa Xuân và nhóm Ðại Học do anh Ðào Duy Anh, anh Trương Tửu, anh Thảo … và tôi thấy tình hình lúc ấy bắt đầu khó khăn. Tại vì lúc nó chỉ là một tập Giai Phẩm Mùa Xuân thì được, nhưng đến khi nó trở thành phong trào rộng lớn như thế này thì chắc là phải suy nghĩ một cách kỹ lưỡng hơn. Và chúng tôi lúc đó đều mệt mỏi lắm rồi. Làm xong Giai Phẩm Mùa Xuân cũng mệt lắm, vì cũng chỉ định làm một việc ngắn hơi thôi, phải nói thật là tôi không nghĩ đến việc dài hơi, để thành ghê gớm như thế này, tôi cũng không nghĩ như thế! Nhưng đời nó vẫn thế, mình làm là một chuyện, rồi cuộc đời nó đẩy đưa mình đi. Những Giai Phẩm Mùa Thu, Mùa Ðông cũng vẫn tiếp tục việc của Giai Phẩm Mùa Xuân, với những bài này, bài khác rồi chị sẽ đọc sau, trong các tài liệu… Ðiểm chính là phong trào đã phát triển và cái này thì đúng là có ảnh hưởng Trăm Hoa Ðua Nở của Trung Quốc: Tại vì phong trào Trăm Hoa Ðua Nở của Trung Quốc nó làm cho Việt Nam phải suy nghĩ về chính sách văn học nghệ thuật của mình; chắc chắn đó là có ảnh hưởng, mình không nên phủ nhận cái ảnh hưởng của người ta. Nhưng ảnh hưởng sinh ra Giai Phẩm thì không có, tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ ấy.

T.K.: Thưa anh, tóm lại Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời vào tháng giêng năm 1956, sau đó bị tịch thu; nhờ có phong trào Trăm Hoa Ðua Nở ở Trung Quốc mà tháng 9/1956, Giai Phẩm Mùa Xuân được tái bản, đồng thời có thêm Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông, Ðất Mới và tờ Nhân Văn. Xin anh nói về sự thành lập tờ Nhân Văn như thế nào và ban biên tập có những ai?

L.Ð.: Xong Giai Phẩm Mùa Xuân thì tình trạng anh em, phải nói như thế này: Bấy giờ anh Dần mới sinh  cháu thứ nhất tức là cháu Kha bây giờ và tôi cũng bắt đầu lập gia đình thành ra chúng tôi đều có những lo lắng mới cả. Mà trong anh em thì cũng có nhận định như thế này: Vai trò của mình như thế cũng là xong, mình làm xong Giai Phẩm Mùa Xuân rồi thì cũng có thể nghỉ được.

Ðến lúc ra báo Nhân Văn, cũng lại có nhiều khó khăn lắm: Anh Dần muốn trực tiếp lo chuyện gia đình vì anh ấy gặp nhiều khó khăn quá: bị bắt rồi lại phải lo cho con cái. Còn tôi lúc đó, tôi cũng muốn nghỉ. Anh Ðang lại không thuộc nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Ðang là một cán bộ chính trị cũ thì anh chỉ biết tôi thôi, thế còn quan hệ với các anh ở Giai Phẩm Mùa Xuân thì anh Ðang lại không có. Mà các anh ở Giai Phẩm Mùa Xuân thì cũng không thích anh Ðang. Rồi anh em mới quyết định thế này: Anh Cầm anh ấy đang rỗi rãi thì giao cho anh Cầm, tách anh Cầm ra để làm việc cùng với anh Ðang.

Về số 1 Nhân Văn, nguồn gốc cái tên Nhân Văn, bây giờ kể lại, nó có hơi phức tạp, vì tôi không hiểu là ai nói đúng. Tôi chắc rằng các anh ấy cũng chẳng phải nói dối đâu nhưng mà chắc là trí nhớ của các anh không phục vụ các anh ấy một cách trung thành: Anh Cầm thì nói rằng tên Nhân Văn là do anh ấy nghĩ ra. Còn anh Ðang cũng nói Nhân Văn do anh ấy nghĩ ra, thì tôi cũng không hiểu như thế nào, nhưng có một điều khẳng định là tôi không nghĩ ra cái tên tờ Nhân Văn ấy. Cái ấy thì rõ. Còn việc ấy cứ để các anh tĩnh trí nghĩ lại. Mà tôi thấy việc ấy cũng chẳng đáng gì (cười). Nhưng sau, thấy tờ Nhân Văn lung tung quá, nhiều người đến, những nhà xuất bản ở nhiều nơi cũng đến ủng hộ tiền nong, mọi thứ, nhiều quá. Tự nhiên trở thành một phong trào rất to. Lúc ấy, các anh Giai Phẩm mới nói: “Thế này thì chắc là Lê Ðạt phải vào rồi”, tại vì các anh vẫn nghĩ rằng tôi là người có cái nhìn quán xuyến, còn Cầm thì chắc là không làm xuể. Anh em nói thế, thì tôi cũng đành vào thôi. Vào một cái, thì anh Ðang đặt luôn vấn đề: “Cậu phụ trách nhé!” Tôi nói rằng: “Cậu là đảng viên mà cậu đã thôi sinh hoạt, cậu còn chẳng phụ trách, mình là đảng viên đang sinh hoạt thì mình phụ trách thế nào được? Mình tham gia với cậu thế cũng là quá rồi còn gì, cậu đã biết kỷ luật của Ðảng như thế, thì làm sao tham gia được?” Sau hai anh em bàn với nhau – thì sáng kiến này là của Ðang – Ðang bảo: “Hay là mời cụ Phan Khôi? Mà cụ Phan Khôi cũng lại không thân gì với Ðang lắm. Thế là anh Hoàng Cầm đến mời cụ Phan Khôi. Thì Phan Khôi khẳng khái nhận lời ngay. Sau đó vì cụ Phan Khôi với tôi vốn có những quan hệ đặc biệt và cụ vốn biết tôi là người phụ trách chính trong tờ báo, thì tôi phải đến gặp cụ ấy. Tôi có nói với cụ Phan Khôi rằng: “Tôi phải nói thật với bác, tổ chức của báo thì nó không như một tờ báo chính thống đâu, nó lung tung lắm, cho nên tôi không thể nào đem tất cả các bài đến để cho bác duyệt được, với tư cách bác là chủ nhiệm tờ báo.” Thế là ông Phan Khôi trợn mắt lên, nhìn tôi và nói rằng: “Ông buồn cười thật! Tôi đứng ra là tôi chịu trách nhiệm chứ, thế còn tôi tín nhiệm các ông, các ông làm, chứ tôi, làm sao tôi làm được!” Riêng việc ấy tôi rất phục ông. Tôi rất trọng thái độ của Phan Khôi. Mặc dầu ông Phan Khôi không có lãnh đạo trực tiếp gì tờ Nhân Văn cả nhưng trong thâm tâm tôi, bao giờ tôi cũng coi ông là người lãnh đạo tờ Nhân Văn. Do thái độ tự trọng của ông ấy. Một thái độ tốt của ông như thế. Chứ còn báo chí cứ nói rằng ông Phan Khôi lãnh đạo Nhân Văn thì quả thật ông Phan Khôi không làm gì trong tờ Nhân Văn cả, cái đó là rõ ràng. Nhưng mà nguyên cái việc một người dám đứng lên chịu trách nhiệm một việc tầy đình như thế, thì việc ấy đáng phải đề cao mới được. Nhưng mà cái gì phải rõ ràng: Ông Phan Khôi không dính gì đến công việc hàng ngày của báo Nhân Văn cả. Chỉ lúc nào có việc gì lớn lắm tôi mới nói với ông ấy thôi, còn công việc là do chúng tôi làm cả.

T.K.: Nhưng thưa anh, tờ Nhân Văn số 1 có đăng bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, thì bài này cũng mạnh lắm chứ ạ?(thật ra bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi đăng ở Giai Phẩm Mùa Xuân)

L.Ð.: Vâng, ông Phan Khôi, đó là ông ấy chịu trách nhiệm về bài viết của ông ấy thôi. Ông Phan Khôi từ xưa đến nay vốn là người viết văn thì ai cũng biết là ông ấy nói rất mạnh mà ông nói thì không bao giờ ông ấy rụt tay rồi. Nhưng mà, tôi nói thế này: ở trong tờ Nhân Văn số 1, có một bài của ông Phan Khôi, một bài của Hoàng Cầm nói về Trần Dần và một bài thơ Tự tử của tôi đăng như bài xã luận. Ðó là ba bài sau này gây nhiều tiếng vang nhất ở Hà Nội đó. Nhất là cái bài Những người tự tử. Tôi nói thế không phải để hạ thấp vai trò của ông Phan Khôi mà tôi nói thế là tôi đề cao vai trò của ông Phan Khôi rất ghê, nhưng mà đồng thời mình cũng phải rõ ràng, không nên có những lẫn lộn trong những người làm việc, chắc là chị hiểu ý tôi chứ?

T.K.: Dạ, thưa anh còn một người nữa mà trong cuốn sách Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận của Nxb Sự Thật in năm 1959, thì họ coi đó là một trong những thủ phạm rất nguy hiểm, đó là chị Thụy An. Theo anh vai trò của chị Thụy An trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là như thế nào? Bởi vì cho đến nay thì mỗi người nói một cách khác nhau, thí dụ như là anh Nguyễn Hữu Ðang thì có lần anh đã bảo là bà ấy không thuộc phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, vậy theo anh, chị Thụy An đã làm gì trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ?

L.Ð.: Tôi phải đính chính một điểm mà mọi người đều hiểu lầm: Chị Thụy An chưa bao giờ ở trong Nhân Văn Giai Phẩm cả, đó là dứt khoát. Tại vì khi tôi thay mặt anh em làm Nhân Văn Giai Phẩm, thì tôi có đề ra mấy nguyên tắc mà tôi cho là rất nghiêm khắc: Một là, tất cả những người viết cho Nhân Văn Giai Phẩm phải đều là những người kháng chiến trở về. Lẽ dĩ nhiên là không phải mình phân biệt đối xử gì giữa anh em kháng chiến với anh em trong thành đâu, nhưng vấn đề Nhân Văn nó là vấn đề nguy hiểm, nếu có anh em trong thành viết, người ta sẽ dễ gây những lẫn lộn lắm. Hai là, không được nhận bất cứ số tiền nào của tất cả các nhà xuất bản. Tại vì lúc đó các nhà xuất bản đến ủng hộ tiền rất nhiều. Lẽ dĩ nhiên chị Thụy An là bạn của tôi mà tôi rất kính trọng nhưng chị Thụy An là người ở trong thành.

T.K.: Thưa anh, anh vừa nói là các anh không lấy tiền của bất cứ nhà xuất bản nào muốn giúp đỡ Nhân Văn, như vậy anh Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Ðức phải là một người nhiều tiền lắm thì mới có thể bỏ ra để in Nhân Văn, Giai Phẩm và các tờ báo khác chứ ạ?

L.Ð.: Ðó là một sự lầm lẫn. Anh Trần Thiếu Bảo cũng không có nhiều tiền gì cả. Anh ta cũng là người tháo vát thôi. Mà anh ta từ kháng chiến về, Trần Thiếu Bảo chỉ có cái vỏ thôi, chứ Trần Thiếu Bảo làm gì có tiề! (cười). Nếu anh ấy có tiền thì anh ấy đã bị đi tù nhiều rồi. Anh ấy có một xu nào đâu! (cười). Nhưng mà anh này giỏi lắm, anh ấy đi mua giấy, mua chịu, việc nhà in anh ấy rất giỏi. Hơn nữa anh Trần Thiếu Bảo là một nhà in ở kháng chiến về. Việc quản trị tờ Nhân Văn là do anh Ðang lo, tôi không có thì giờ lo việc ấy lắm nhưng mà thế này: nói chung là chúng tôi đều mua chịu giấy báo và sau đó thì hoặc là anh em vay nợ để mua giấy báo và in chịu và bán xong thì lại giả nợ. Ðó là mình không lấy tiền nhưng mình lấy sự ủng hộ. Và cái việc ấy phải nói đến vai trò của anh Ðang. Anh Ðang là trước anh ấy hoạt động ở giới văn hóa trong nội thành, cho nên anh ấy quen rất nhiều những người làm văn hóa và những cơ sở in ấn ở nội thành. Ðó là nguyên tắc đề ra thế, còn có vi phạm hay không thì cái đó tôi cũng chưa được kiểm tra một cách rõ rệt lắm.

T.K.: Thưa anh bây giờ trở lại câu chuyện chị Thụy An một chút. Thưa anh người ta buộc chị Thụy An vào những tội gì?

L.Ð.: Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.

T.K.: Người ta buộc tội chị ấy là gián điệp, nhưng theo anh, anh rất thân với chị ấy thì anh thấy chị ấy có là gián điệp không?

L.Ð.: Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có dủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả.

Bình luận về bài viết này