Sự tìm tòi một con đường mới cho thơ ca Lê Ðạt – Pv Lê Đạt

Tháng Tư 26, 2008 at 5:17 chiều (. Lê Đạt, Nhân Văn Giai Phẩm)

Download file Audio

Nguồn Thụy Khê

Hậu bán thế kỷ XX, trong 4 nhà thơ lớn có công cách tân thi ca Việt Nam: miền Bắc là Trần Dần, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, miền Nam là Thanh Tâm Tuyền, thì có ba người thuộc phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Tại sao như vậy? Ðó là câu hỏi mà thế hệ mai sau còn nhiều dịp để tìm lời giải đáp. Ở đây, nhà thơ Lê Ðạt sẽ nói về hành trình cách tân thơ của ông bên cạnh hai người bạn: Trần Dần và Ðặng Ðình Hưng.

T.K.: Thưa anh Lê Ðạt, có thể nói sự thay đổi thi pháp của anh là kết quả của một hành trình dài, bắt đầu từ việc đọc sách ở thư viện thập niên 70. Vậy trước tiên xin anh kể lại việc đọc sách này.

L.Ð.: Ðọc ở thư viện khó lắm chị ạ, thư viện khoa học xã hội nhiều sách hay nhưng chỉ dành riêng cho những người làm việc nhà nước thôi, cán bộ nghiên cứu thôi. Tôi thì lúc ấy đã về hẳn rồi, tuy vẫn còn kỷ luật nhưng không phải cái mười năm lưu lạc giang hồ nữa rồi. Tôi phải nói khéo với cơ quan cho tôi xin một cái giấy vào đấy tôi đọc, tại vì lâu lắm rồi tôi không được đọc sách. Lúc đó cũng may rằng anh em Việt kiều ở Paris vừa biếu Việt Nam một loạt sách về  hoạt động những năm 50 của Pháp, tức là những năm sôi nổi nhất về hoạt động trí tuệ Pháp, nào là phái cấu trúc, nào là phái phê bình mới, Roland Barthes… thì tôi phải cố gắng xin một giấy phép. Xin cũng khó lắm chị ạ. Ðọc sách ở nước Việt Nam cũng khó lắm chứ có phải dễ đâu. Ðáng nhẽ mọi người vào, là cứ xin giấy rồi vào  thôi. Còn giấy tôi xin thì cũng phải độ bẩy hôm người ta mới trả lời là ông đọc được. Thì tôi đã được đọc sách và tôi cho đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi. Tôi đọc mười giờ một ngày, tức là buổi sáng tôi ăn sớm rồi tôi đọc đến trưa, trưa xong tôi lại tiếp tục đọc đến chiều, về nhà tôi phải ăn cơm nguội cơ mà. Cho nên lúc đó ở Hà Nội nó đã đồn là ông Lê Ðạt giàu lắm vì lúc đó không ai ra thư viện đọc sách để học cả, mà người ta ra thư viện đọc sách để dịch. Một người mà suốt ngày ở thư viện tức là dịch được nhiều tiền lắm!

Tôi đọc lại những sách mà thuở nhỏ tôi đã đọc và tôi lại đọc những sách lúc bấy giờ đang sôi nổi ví dụ như là về structuralisme này, về linguistique này, về nouvelle poésie française v.v…  Tôi cho đó là những năm tốt đẹp nhất của đời tôi; lâu lắm tôi mới được đọc thế. Sau đó thì thư viện họ quen tôi và họ đối với tôi rất tử tế. Lúc ấy anh Thảo cũng ra, anh Trần Dần thì đâu người ta thuê anh ấy dịch Althusser, anh ấy cũng ra thư viện đó để dịch, thế là ba anh em lại gặp nhau và lúc đó ở Hà Nội người ta đã sơ tán cả rồi. Một hôm tôi đến mượn sách thì chị thủ thư rất buồn, bảo: “Bây giờ ban giám đốc vừa ra một cái lệnh bác không được đọc sách nước ngoài nữa, chỉ đọc sách tiếng Việt thôi”. Sau tôi mới hỏi ra thì l à thế này: Cái ông phụ trách thư viện là một ông thiếu tá vừa chuyển ngành, ông ấy nghĩ bụng là bây giờ mọi người đều đi sơ tán thì còn ai học hành gì nữa, chỉ thấy mấy anh Nhân Văn Giai Phẩm trong này, chắc nó bàn chuyện bậy bạ gì cho nên, việc thứ nhất là: thôi, không nên cho chúng nó đọc nữa. Nhưng Thảo thì được cái giấy ở trên, đang nghiên cứu về hiện tượng học đó, thì anh ấy được đọc. Còn tôi không có giấy đặc biệt gì cả thì họ không cho tôi đọc tiếng Pháp nữa. Tôi phải rời cái thư viện ấy, sau khi tôi đã đọc coi như gần hết thư viện đó rồi, thì để chị biết là ở Việt Nam đọc sách cũng khó khăn lắm.

T.K.: Như vậy có thể nói rằng chính sự đọc sách ở thư viện đã dẫn anh đến chỗ quyết định  phải thay đổi thi pháp của mình, thưa anh có phải như vậy không?

L.Ð.: Không, quyết định ấy có từ lâu rồi. Quyết định từ lâu rồi. Tức là sau Nhân Văn, tôi không được làm thơ nữa, không được in thơ nữa cho nên tôi phải nghĩ rất nhiều về thơ của mình, tôi phải tìm một cách khác. Dần dần tôi đã đi xa, càng ngày càng xa Maiakovski: Tại vì tôi thấy chính Maiakovski là người đã đóng góp rất nhiều vào cái sai lầm của chủ nghĩa Cộng Sản, cho nên càng ngày tôi càng tách xa Maiakovski nhưng chưa tìm được cách nào để tôi đi cả.

Lúc bấy giờ thì những anh em cũ như Trần Dần, Ðặng Ðình Hưng… Ðặng Ðình Hưng, sau năm 60, do sự giúp đỡ của anh Trần Dần, thì Ðặng Ðình Hưng đã có một số những thành tựu nhất định.  Anh Dần, anh Hưng, các anh ấy đinh ninh đã tìm thấy đường rồi, còn tôi thì vẫn chưa tìm thấy đường gì cả. Tôi nhớ có một hôm, năm ấy vào khoảng năm 65, ba người uống rượu với nhau, Hưng không biết là tỉnh hay say, hay là giả say thì không biết, mới nói rằng: “Cậu không bao giờ có thể làm thơ hay được cả tại vì cậu tỉnh quá”. Thì tôi đứng dậy nói: “Cũng có thể mình không thể làm thơ hay được nữa, nhưng mà mình không muốn mất cái sự tỉnh táo”. Và tôi chia tay với họ. Sự chia tay ấy chắc mọi người không biết được, tại vì chỉ chia tay trong ba người thôi. Nhưng lúc ấy tôi rất buồn, tại vì chỉ còn có ba người thôi mà không trụ  được với nhau, lại phải chia tay. Mà tôi nhất định không thể ở lại được nữa. Tại vì ở lại thì hoặc là tôi theo họ, mà tôi không thích. Lúc bấy giờ tôi buồn lắm. Trong bốn, năm năm trời tôi không làm bài thơ nào cả. Tôi làm những cái người ta gọi là tập, exercices, con con nhưng không làm bài thơ nào cả.

Thường thường là cứ đến ngày Noël,  anh em hay gặp nhau; gặp nhau thì làm một bữa rượu, ngồi uống rượu. Những buổi đó bao giờ cũng có đủ: tôi, anh Dần, anh Hưng và anh Hoàng Cầm. Uống rượu được một lúc thì anh Hoàng Cầm thường đọc bài tựa của Chu Mạnh Trinh mà trong đó có một câu rất nổi tiếng là Cánh hoa rụng rực trọn rất sạch (?) đó. Anh Cầm dịch bài ấy cực hay và rất buồn. Sau đó thì các ông ấy uống rượu, uống rượu rồi bàn hết khôn rồi ra dại. Thường những lúc ấy tôi hay đứng dậy, lặng lẽ một mình tôi bỏ về. Bỏ về như vậy làm anh em khó chịu nhưng tôi thấy không thể tiếp tục mãi như thế được. Trong đám ấy, lúc bấy giờ tôi lại trở nên một kẻ bị bỏ rơi, mà tôi cũng chưa biết là mình sẽ đi đến đâu cả, con đường trước mắt chưa biết thế nào, nhưng chắc chắn là tôi không đi con đường của hai anh ấy.

T.K.: Xin anh nói về con đường đi của hai anh Trần Dần và Ðặng Ðình Hưng.

L.Ð.: Tôi thấy anh Dần từ xưa đến nay vẫn là người mê chữ từ lâu rồi, cho nên anh Dần vẫn tiếp tục con đường của anh ấy. Còn anh Hưng thì vì anh ấy ở âm nhạc sang cho nên anh ấy có một lợi thế rất nhiều là không bị ám ảnh bởi văn phạm ngôn ngữ như tôi. Anh ấy gặp anh Dần thì hai anh sẵn sàng đi con đường, tức là con đường sau này chị thấy trong thơ anh Ðặng Ðình Hưng đó; nhưng lúc đầu thì anh Ðặng Ðình Hưng chưa làm thơ văn xuôi, sau này mới dần dần đi về văn xuôi, do anh ấy không bị,  người ta gọi là hạn chế gì, bởi cái văn phạm của những người làm thơ lâu như tôi cả. Vì từ nhạc sang cho nên anh ấy rất dễ dãi và anh ấy thanh thoát lắm. Anh Dần thì có nhiều khó khăn, tại vì anh Dần là một người tìm tòi. Tôi vẫn cho anh Dần là một người có nhiều ưu điểm và nhược điểm của một anh trưởng môn. Anh ấy hay đề ra lý luận trước để anh ấy theo sau, thí dụ anh ấy đề ra lý luận của cái Mùa sạch ấy là anh ấy theo một lý luận như thế rồi anh ấy cứ làm như thế. Cái đó là ưu điểm của anh ấy, tức là anh gây được một ấn tượng mạnh, nhưng nhiều lúc, nếu chị đọc cẩn thận, nhiều lúc chị cũng thấy là nó hơi khiên cưỡng. Thế nhưng anh Dần cứ tiếp tục đi. Anh ấy với anh Hưng là làm cả thơ vẽ, thơ viếc… anh ấy làm rất nhiều thơ lắm. Mà tôi thấy rằng cái đó không hợp với tôi.

T.K.: Thưa anh, có thể nói rằng giữa hai anh Ðặng Ðình Hưng và Trần Dần cũng có sự khác nhau:sự tìm kiếm của anh Ðặng Ðình Hưng đã được thể hiện khá rõ ràng qua hai tập Ô mai và Bến lạ, còn anh Trần Dần, qua những gì đã in, người ta chưa thấy rõ được những tìm kiếm của anh Trần Dần. Tập Cổng tỉnh cho thấy sự giàu có trong ngôn ngữ thơ Trần Dần, nhưng vẫn còn có một cấu trúc thơ tương đối cổ điển. Còn tập Mùa sạch, mới chỉ là một thứ thử nghiệm, exercice, chưa thể nói là xong, là một tập thơ hoàn chỉnh. Vậy theo anh, cần phải làm thế nào để giới thiệu toàn diện sự tìm tòi thơ của Trần Dần?

L.Ð.: Cái này thì tôi có hứa với Trần Dần một điều mà tôi chưa làm được, tức là tôi sẽ đọc lại tất cả thơ Trần Dần, tại vì, như chị biết là, sau này, tôi đi tìm con đường của tôi thì tôi cũng không gần anh Dần như ngày xưa nữa, thế và khi tôi đề nghị với anh Dần như thế này thì anh ấy cũng không đồng ý: “Bây giờ thì cậu cũng yếu rồi, cậu yếu rồi thì để mình chọn cho cậu toàn tập, với tất cả những tìm tòi của cậu để người ta có một cái nhìn chung về tất cả những tìm tòi của Trần Dần”. Nhưng anh Dần muốn in tập Cổng tỉnh thì tôi cũng phải chiều anh ấy thôi. Nhưng chắc là thế nào cũng có một lần tôi phải prendre en main chuyện này và tôi sẽ đọc lại hết thơ của anh Trần Dần và tôi sẽ cố gắng làm sao mà xuất bản một tuyển tập của anh ấy, tức là chọn trong cái toàn tập của anh ấy để mọi người có thể thấy được cái tìm tòi của anh ấy như thế nào. Về anh Dần thì rất khó chị ạ, vì mọi người nghe tiếng anh ấy rất nhiều, mà tiếng anh ấy rất to. Tôi rất sợ những tiếng to. Tôi đã nói với Dương Tường đấy, với một người như Dần thì không nên dùng những chữ to quá, như những kim tự tháp, hay… gì, nghe nó mệt quá. Với những người ấy càng cần phải dùng những gì gần gũi hơn, thì tôi rất tiếc. Tôi có nói với cháu Vũ, tức là con anh Trần Dần: “Có lẽ hôm nào hai bác cháu mình phải làm cái việc ấy, tức là chọn lại tất cả các tác phẩm của bố cháu, và trình bày trong tất cả quá trình nó đi như thế nào, để mọi người biết là bố cháu đã tìm tòi như thế nào”. Tôi phải nói, anh Dần cũng có cái này không thuận lợi  là từ năm bẩy mươi mấy anh ấy đã bị nhũn não rồi. Lúc mới nhũn não tức là lúc ấy anh còn làm được, nhúc nhắc được nhưng mà bệnh ấy cứ dần dần lan ra cho nên cái độ nhạy bén của anh ấy nó cũng sút đi, thành ra bây giờ tôi coi đấy là cái nợ mà tôi phải trả đối với anh Trần Dần. Lúc nào, khi tôi đã xem hết, thì có lẽ tôi sẽ trả lời chị một cách thỏa đáng hơn.

T.K.: Thưa anh, bây giờ xin anh kể về công việc tìm tòi thi pháp mới của anh. Anh đã đi theo  con đường tư tưởng như thế nào?

L.Ð.: Thì tôi cứ đọc, đọc lung tung hết, nhất là tôi đọc lại Freud, đọc lại … rất nhiều mà tôi chú ý nhất đến cái vô thức. Tôi cho là thơ của thế kỷ XVIII nặng về trí tuệ, đến thế kỷ XIX nó trả lại cho con người một dimension nữa, là dimension về tình cảm. Nhưng thế kỷ XIX chỉ đứng ở đấy thôi và đến thế kỷ XX nó mới trả lại cho con người một dimension nữa, tôi cho cái dimension ấy là vô thức, thì tôi đọc lại Freud rất nhiều. Tuy rằng Freud tôi đã đọc từ khi đi học nhưng cũng chỉ đọc một cách vội vã thôi, bây giờ mình đọc lại, sau tôi cũng rất thích Lacan, rồi đọc những Barthes thì ông ấy đều nói tức là phải có một cái gì nó Autre, một cái vô thức, mà lúc ấy thì tôi cũng chưa biết vô thức là như thế nào cả. Lúc ấy tôi thấy các ông structuraliste nói về ngôn ngữ học, kiến thức của mình về ngôn ngữ học kém quá, tôi lại phải lên thư viện trên gác là thư viện khoa học tự nhiên, tôi đọc ngôn ngữ học, tôi đọc Saussure như thế nào, vất vả lắm. Nhất là khi người ta nói về những tự động học thì mình đều phải đọc học lại cả. Ở  thư viện trên gác ấy, những gì mình không hiểu thì hỏi những người quen trên ấy, như thế là trong thời gian ấy mình học được rất nhiều, rồi khi nào nó thành hình, tôi cũng không hiểu. Chị là người duy nhất mà nói về thơ tôi rõ ràng hơn tôi. Tôi nói thật đấy, vì khi làm, tôi cũng mù mờ cả thế thôi, tôi chỉ nghe, chỉ dựa vào một câu của Lacan nói, tức là: “L’inconscient est structuré comme un langage.” Tóm lại, tôi tìm học ngôn ngữ rất nhiều, nhưng càng ngày càng đi, tôi càng thấy: đúng, không phải, chính  làm thơ tức là chống lại ngôn ngữ (ngôn ngữ mà tôi nói ở đây là linguistique chứ không phải la langue). Nếu mà làm thơ theo ngôn ngữ thì vứt đi. Nhưng mà mình phải biết nó thì mình mới chống lại nó được.

Chính tôi làm lúc đầu cũng run tay lắm, tại vì mình thấy tự nhiên mình nói một cái ngôn ngữ gì, nó không phải là ngôn ngữ của mọi người. Ở Dần ở Diếc tôi còn thấy cái ngôn ngữ là ngôn ngữ của mọi người. Một điểm đầu tiên là tôi không đưa thơ cho Dần và Hưng xem như ngày xưa nữa, tại vì tôi nghĩ: đưa cho họ cũng chẳng có tích sự gì, họ lại góp ý, có khi mình lại phải theo ý kiến của họ mà mình chưa tin thì làm sao mình theo họ được. Sau này, khi tôi in mấy bài rồi (khi đã phục hồi rồi), thì Dần có lên gặp tôi, nói rằng: “Được, nhưng mà hơi kỹ quá”. Tôi cũng không hiểu là anh ấy có ý gì, tôi cũng không hỏi nữa, mà lúc ấy tôi đã thành hình rồi, tôi chắc không ai thay đổi tôi được nữa.

Tóm lại là tôi thấy cần phải có vô thức thôi, mà tôi đi tìm nó. Tôi không có cái đinh ninh của người trưởng môn, cho nên lúc nào tôi cũng lo lắng, hồi hộp, chắc chị biết đó. Cho nên đến khi tôi đọc bài Tạo sinh của chị thì tôi mới lại tiếp tục nghiên cứu lại những bài mà tôi được đọc để cho nó sáng tỏ ra (cười). Không, tôi nói thật đó (cười) chứ còn khi tôi viết thì đúng là tôi cũng không có nghĩ gì, lẽ dĩ nhiên tôi là một người nặng về lý luận, cũng như anh em đều cho tôi là một người lý luận rồi, nhưng mà nói một cách rõ ràng, formuler một cách rõ ràng như thế thì đúng là lúc đó tôi cũng chưa formuler được. Tôi đã đọc Saint-John Perse, tôi đọc René Char, tôi đọc Francis Ponge, nhất là Ponge, tôi đọc rất nhiều. Tôi thấy công lao của Ponge về vấn đề ngôn ngữ nhiều lắm. Nhưng mà theo tôi, thì mình phải đi xa hơn họ. Trong lúc đó tôi đọc cả Nouvelle poésie française, tôi cũng đọc lại thơ Đường rất nhiều và trong thơ Đường nhiều cái rất hay mà tôi thấy nhiều lúc nó rất hiện đại cho nên trong thâm tâm tôi, tôi vẫn muốn làm thế nào mà có thể kết hợp được thơ Á Đông với thơ Tây phương. Đó là một chủ trương, nhưng tôi không biết chủ trương ấy phải thực hiện như thế nào thôi. Tại vì tôi không thích những người thời xưa, cái gì mình cũng ca ngợi Tây phương hết lời, đến khi người Tây phương ca ngợi Á Đông thì mình lại cho Tây phương là vứt đi, chỉ có Á Đông mới là sang trọng. Tôi cho rằng Á Đông cũng sang trọng mà Tây phương cũng sang trọng, nghĩa là mình biết như thế nào thôi. Cho nên điều mong muốn nhất của đời tôi -không biết có thực hiện được không – là làm sao tôi có thể làm được những câu thơ mang tất cả những tìm tòi của Tây phương kết hợp với những tìm tòi của Đông phương, thì đó là con đường đi thơ của tôi. Đến đâu thì chưa biết.

T.K.: Thưa anh, thơ anh còn một đặc điểm khác hẳn thơ của những người khác, đó là anh dùng ít chữ lắm và thơ anh không rõ nghĩa như thơ những người khác. Cho nên đọc thơ anh không phải là dễ. Vậy xin anh giải thích thêm một chút về vấn đề này.

L.Ð.: Tôi đã nói với chị cái đạt được ấy nhiều khi nó cũng vô thức lắm. Tôi rất thèm muốn được có cái hữu thức sáng suốt như anh Trần Dần, vốn tôi lại không có. Nhưng trong khi tôi nghĩ, tôi đi tìm cái vô thức ấy, thì tôi đọc rất nhiều, không những tôi đọc thơ Đường, đọc nouvelle poésie Pháp, mà tôi còn đọc rất nhiều ca dao, và đặc biệt là những bài hát trẻ con. Tôi thấy là cái chữ nghĩa ấy mà hình như là người ta tách nó ra khỏi cái nguồn gốc sinh thành của nó quá; vì thế cho nên chị xem trong thơ tôi có rất nhiều nguyên âm, hình như là cái chữ nó nấn ná lắm, chưa muốn ra khỏi cái nôi của mẹ nó. Tôi vẫn cho  rạch ròi là bệnh xấu của thơ. Tôi thấy hình như chữ nó gần gụi với nhau lắm và nó không muốn chia tay nhau ở trên một trang giấy, thành ra, chị xem, thơ tôi hay lẫn lộn và hay có nhiều nguyên âm. Tôi vẫn cho rằng, mỗi câu thơ ấy, thường những chữ nó đều ở ngã ba, ngã tư chữ cả. Khi đọc những ngôn ngữ cổ, tôi thấy ngôn ngữ cổ rất ít tiếng, đôi khi một tiếng có hai nghĩa trái ngược hẳn nhau, tôi rất thích cái ngôn ngữ như thế tại vì hình như ngôn ngữ càng ngày càng muốn rạch ròi quá. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ hình như cái chữ khi nó ra khỏi im lặng, nó vẫn tiếp tục sự im lặng đó. Không biết chị đọc thơ tôi chị có thấy thế không, nhưng mà thơ tôi, những cái chữ nó ra, hình như nó đều bất đắc dĩ cả và nó nối riếp cái im lặng mà ở trong đó nó thoát thai ra. Vì thế đọc thơ tôi nhiều người nói câu này, không biết chị có đồng ý không: “Thơ như một người nói nhịu ấy”. Mà nếu nói nhịu như thế thì hay tại vì, chắc là như chị cũng  biết Freud phát hiện được cái vô thức là do nghiên cứu cái nói nhịu ấy thôi. Thì tôi cho rằng qua cái nói nhịu ấy, may ra mọi người phát hiện được cái vô thức của mình thì cũng rất tốt.

T.K.: Thưa anh, câu chuyện đã dài, xin anh một lời kết thúc cho toàn bộ câu chuyện dài về Nhân văn Giai Phẩm của chúng ta.

L.Ð.: Tôi muốn nói mấy điểm thế này chị ạ, chị thấy cái thời gian sống của Nhân Văn nó không lâu, chỉ có mấy tháng giời thôi, mà  cũng chỉ có mấy số báo thôi, nhưng làm sao nó để lại một ảnh hưởng sâu đậm như thế? Làm sao chỉ có mấy người (lúc bắt đầu Giai Phẩm Mùa Xuân chỉ có mấy người) mà mấy người cũng rất trẻ, sau đó phong trào Nhân Văn trở thành một phong trào rộng lớn, một bên là phong trào sinh viên rất đông, hai là một số giáo sư đại học, tất cả thành hình như là một giới trí thức nói chung. Mà chẳng có bộ máy gì cả, chẳng có quyền lợi gì cả, không hứa hẹn gì cả, chẳng có huân chương cho ai cả, chỉ có một đám người như thế đứng lên, thì cái đó là điều  làm cho mình phải suy nghĩ lắm. Như thế mới thấy là cái khao khát của những người trí thức muốn đóng góp cho đất nước rất sâu sắc. Lúc bấy giờ mọi người đều đóng góp, có được tiền nong gì đâu, mà đóng góp lúc ấy rất nguy hiểm. Thì tôi thấy những người lãnh đạo nước Việt Nam phải lưu ý : Tại làm sao, thời ấy, một nhóm người rất nhỏ có thể huy động được nhiều trí thức như thế ? Làm sao  một bộ máy lớn như bộ máy nhà nước mà không huy động được trí thức trong vấn đề xây dựng đất nước, bây giờ? Nếu những người lãnh đạo đất nước bỏ tất cả những bực dọc, bỏ tất cả những định kiến đi, mà suy nghĩ về vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm, tôi chắc họ cũng học được rất nhiều, nhất là bây giờ người ta đang nói nhiều đến chất xám. Chất xám trở thành một cái vốn rất lớn, nhưng sự huy động chất xám chưa được bao nhiêu cả. Thế mà làm sao thời kỳ Nhân Văn chỉ có một nhóm người mà huy động được một cái chất xám lớn lao như thế? Mà chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một lực lượng thực sự. Nếu những người có thẩm quyền của nước Việt Nam bây giờ thực sự suy nghĩ về thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, để làm sao có thể huy động được giới trí thức lớn lao như vậy thì đất nước sẽ khá hơn nhiều.

Tại sao bây giờ tất cả những người ở trong nước lại tránh nói đến vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm? Nó là vấn đề lịch sử đã qua rồi. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho những ngày tới. Tôi thấy việc ấy nên làm lắm. Không ai có thể tịch thu được lịch sử cả tại vì lịch sử sống dài hơn một con người, lịch sử sống dài hơn một chế độ. Thà mình biết trước, mình làm cho nó thỏa đáng, nó lịch sự bao nhiêu không. Bây giờ mình cứ để cho đến lúc mà… thường thường bao giờ người ta rút kinh nghiệm lịch sử thì bao giờ cũng quá muộn.


T.K.: Xin thành thật cám ơn nhà thơ Lê Đạt

Bình luận về bài viết này