30 năm hành trình vào sa mạc sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm

Tháng Tư 28, 2008 at 11:39 sáng (. Hoàng Cầm, . Phùng Quán, Nhân Văn Giai Phẩm)

Lược kể về cuộc đời làm thơ của Hoàng Cầm, từ những ngày thơ ấu, qua thời kỳ cách mạng kháng chiến đến ngày nay.

Phần đầu: 30 năm hành trình vào sa mạc sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm.

Nguồn Thụy Khê

Download file Audio

Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Cầm, anh có dự định viết một cuốn hồi ký, thưa anh dự định ấy hôm nay đã đi đến đâu rồi ạ?

Hoàng Cầm: Ðầu tiên tôi cũng đã dự định, dự định từ lâu rồi, định viết một cuốn Mémoire khoảng 1000 trang từ năm 1990. Lúc bấy giờ tôi cần có một người trợ giúp mình, không những là về mặt viết lách v.v… mà kể cả về tình cảm. Bởi vì từ sau khi tôi mất người vợ năm 1985, đời sống tình cảm tôi bị hẫng hụt, phải nói là một cách ghê gớm. Sau đó, tôi bị gần như là một thứ bệnh tâm thần cho đến năm 87, thì nhờ các bạn, nhất là anh Dương Tường, anh Lê Ðạt, kể cả anh Trần Dần và một số bạn trẻ nữa như là Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn… tôi đã dần dần hồi phục lại được sức khoẻ và nhất là tránh được cái bệnh tâm thần của tôi mà các bác sĩ cho là nó vào cái dạng trầm uất.

T.K.: Thưa anh, tại sao anh lại bị bệnh và bệnh trạng của anh, thực sự nó như thế nào?

H.C.: Tức là sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng, (chú thích: về vụ bản thảo Về Kinh Bắc), từ đó đến khi được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng:

– trước tiên là hoảng loạn,

– thứ hai là trầm uất.

Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa -mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ- nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi. Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay  của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm  gì mình cả.

Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ một cái gì đó thì tôi không trả lời hoặc là trả lời gióng một.

T.K.: Thưa anh lúc anh bị bệnh nặng như thế là thời kỳ nào hả anh?

H.C.: Là năm 87 có độ 7, 8 anh em nhà văn trẻ như là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v… ở trong Huế ra chơi, họ đến nhà anh Phùng Quán. Họ nhờ anh Phùng Quán đưa xuống thăm tôi. Tôi cũng vẫn có vẻ như vui mừng được gặp những người anh em xưa nay người ta mến mình thì cũng vẫn giữ một thái độ thân ái thôi. Nhưng đến khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi rằng: Anh có dự định sáng tác gì nữa không, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng gì cả. Lắc đầu. Cứ lắc đầu hoài. Thế rồi họ hỏi cái gì tôi cũng lắc đầu. Chỉ lắc đầu mà tôi không nói gì hết. Phùng Quán thấy thế cho rằng tôi suy sụp hoàn toàn về tinh thần. Ðó là đầu năm 87. Phùng Quán có vẻ bực tức cái chuyện ấy lắm mới chạy đến nhà anh Lê Ðạt, bảo anh Lê Ðạt: “Bây giờ anh Hoàng Cầm bị tình trạng như thế này thì chỉ có anh mới giúp anh ấy được, chứ em trông thấy thế này thì em sợ lắm, và em nghĩ rằng một tài năng như anh Hoàng Cầm mà bị như thế này thì chúng ta sẽ hết sức thiệt thòi, anh ấy không còn có thể viết một cái gì được nữa.” Lê Ðạt thì vững vàng hơn. Lê Ðạt chỉ bảo Phùng Quán rằng: “Rồi cái đó nó cũng sẽ qua đi. Tôi tin rằng Hoàng Cầm không bao giờ là người sẽ suy sụp.” Phùng Quán vẫn không tin Lê Ðạt, bèn về viết một bài, nó cũng không phải là thơ, là một ý kiến, có vần, có điệu, coi như một bài thơ, nó thế này này:

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp.

Một nhà thơ đã từng viết những câu thơ lẫm liệt

Trong tiểu đội của anh những ai còn ai mất

Không. Không ai còn ai mất

Ai cũng chết mà thôi

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi.

Rồi lại đến một cái điệp khúc:

Tôi không tin một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp.

Trên thế gian có nghìn nhà thơ lớn

Trên thế gian có nghìn con sông lớn

Nhưng chỉ có một dòng nhờ thơ mà vang vọng

Nhờ thơ mà vinh danh

Ðó là con sông Ðuống quê anh

Mà anh xót xa như bàn tay anh rụng

Tôi tin chắc như đinh đóng cột

Sau này anh chết đi

Theo sau linh cữu anh

Ngoài bạn hữu gia đình có cả con sông Ðuống.

Sông Ðuống mặc đại tang khóc bên bồi bên lở

Sóng vỗ bờ nức nở

Ðời đời chịu tang anh.

Tôi không tin một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp.

Phùng Quán viết to bài thơ đó lên một tờ giấy rất to như là tờ giấy lấy ở bao xi măng ra và anh ấy xuống treo ngay ở nhà tôi. Thì tôi cũng cứ mặc, thế thôi. Cả thời gian ấy tôi vẫn cứ ở trong tình trạng đó. Mãi về sau, cuối năm 87, nhất là sang năm 88, trong một cuộc họp bàn ban chấp hành hội nhà văn, có bàn đến việc phục hồi những nhà văn bị kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó, nhờ các bạn kéo tôi đi chơi vào những chỗ mà người ta yêu mến mình, dần dần nhờ những sự săn sóc đó mà tôi trở lại viết được. Và cái mà tôi viết được ngay là bài Mưa Thuận Thành.

T.K.: Thưa anh, nói về việc phục hồi, trong hoàn cảnh nào, ở thời điểm nào anh đã được phục hồi?

H.C.: Năm 1988 đấy. Hôm mà báo Văn Nghệ tổ chức 40 năm thành lập báo Văn Nghệ, lúc bấy giờ là dưới sự điều khiển của anh Nguyên Ngọc. Họ có tổ chức hai buổi ra mắt độc giả. Hôm đó tôi được mời, và họ yêu cầu anh đọc cho một hay hai bài thơ; thì phần lớn đều yêu cầu bài Bên kia sông Ðuống. Bài đó bị vùi đi lâu quá, cho nên bây giờ họ hết sức tha thiết yêu cầu như thế. Nhưng mà tôi, tôi đã có chủ định rồi, tôi nhất định không đọc bài Bên kia sông Ðuống và tôi đọc hai bài thơ mới là bài Mưa Thuận Thành và bài Lá diêu bông, hai bài hoàn toàn xa lạ. Tôi muốn gây một effet mới, thì họ tán thành ngay. Tôi đọc xong bài Mưa Thuận Thành, đến bài Lá diêu bông, vì muốn nhấn mạnh cho nên tôi đọc một lần và ngâm một lần. Tôi vốn cũng nổi tiếng về ngâm nữa, cho nên người ta thích. Tôi lại ngâm bài đó với một giọng vừa trữ tình, vừa mang hồn bài hát quan họ và lại pha một chút nhạc ca trù, vì từ thời niên thiếu, tôi đã quen với ca trù rồi. Ðến khi tôi ngâm xong bài Lá diêu bông thì nó biến cái hội trường thành như một cuộc mít-tinh gì đó, mà tất cả nhằm vào tôi. Ðến ngày hôm sau, ra cái hội trường lớn hơn tức là hội trường của Cung Văn Hóa (bấy giờ còn gọi là Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt-Xô), khi họ nói đến tên tôi là lại nổi lên một trận vỗ tay đến nỗi là tôi phải trốn tiếng vỗ tay đó. Không hiểu làm sao mà lúc bấy giờ tôi cứ ngường ngượng. Khi tôi lên sân khấu rồi, tiếng vỗ tay vẫn tiếp tục. Chợt có một lúc, tôi như chợt khóc lên, như là nước mắt ở đâu đó nó trào ra. Không phải là giọt nước mắt vui mừng vì cái vinh quang nó trở lại với mình. Không! Tuyệt nhiên không phải cái đó mà lại là tình cảm này: Lúc bấy giờ tôi chợt nhớ đến bà vợ tôi là bà Lê Hoàng Yến. Nếu không có bà Lê Hoàng Yến thì không có tập Về Kinh Bắc. Mà Về Kinh Bắc tôi viết ngay cuối năm 59, tức là chỉ có một năm sau khi thi hành kỷ luật (kỷ luật là 58-59), đối với tôi thì đúng là oeuvre clé. Thành ra tôi nhớ đến bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn thì cũng không có, bữa cơm nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt đi, nghĩa là đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn. Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi. Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức là nó lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ mới có từ chập tối hơi sôn sốt, rồi bà ấy đi nằm, mà giữa mùa nực, bà ấy thấy có cái gì ren rét, tôi đã phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ thì đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời.

Thành ra đến lúc lên sân khấu, cái vinh quang nó trở lại với tôi một cách quá sức tưởng tượng, thì chợt hình ảnh vợ tôi đã chịu tất cả mọi khổ sở trong vòng 30 năm, tròn 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi. Nghĩa là trong 30 năm, tôi không thể đem cái ngòi bút của mình kiếm được một đồng nào hết.

Bình luận về bài viết này