Thân phận Hoàng Cầm, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Trần Ðức Thảo, Ðào Duy Anh – Pv Lê Đạt

Tháng Tư 26, 2008 at 5:22 chiều (. Hoàng Cầm, . Lê Đạt, . Trần Đức Thảo, . Đào Duy Anh, Nhân Văn Giai Phẩm)

Download file Audio

Nguồn Thụy Khê

Khi tìm hiểu về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta không thể không tìm lại một số những khuôn mặt nhà văn, nhà trí thức, đã tham gia phong trào như Hoàng Cầm, Trần Ðức Thảo, Ðào Duy Anh… mà còn cả những khuôn mặt nhà văn cùng thời đã xa gần liên hệ với họ như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan… Những nhà văn nhà trí thức này đã có một thái độ sống như thế nào? Với lối nói thẳng, nói thật, nhà thơ Lê Ðạt sẽ phác họa vài nét sống động về một số nhà thơ, nhà văn, một thời hệ lụy với Nhân Văn, với văn chương và tư tưởng.

T.K.: Thưa anh, người đầu tiên xin được hỏi anh là một người bạn rất thân của anh, đó là anh Hoàng Cầm. Xin anh nói về anh Hoàng Cầm.

L.Ð.: Anh Hoàng Cầm thì cũng có một cái oan nghiệt, tức là trong tất cả anh em Nhân Văn và một số người chung quanh anh Hoàng Cầm đều cho rằng: trong những lúc đấu tranh thì thông thường là anh ấy nhát sợ. Theo tôi thì cũng không nên đòi hỏi một nhà thơ phải đặc biệt can đảm làm gì. Cốt nhất là đòi hỏi nhà thơ cái can-đảm-chữ là quan trọng. Riêng tôi, tôi cho rằng anh Hoàng Cầm, về chữ là một người can đảm. Tại vì anh ấy cứ bình tĩnh đi con đường của anh ấy. Chị phải biết cái ảnh hưởng của anh Dần và anh Hưng là ghê gớm lắm. Anh Hưng và anh Dần chê thơ anh Hoàng Cầm rất ghê: Thơ anh Cầm là bình dân này, thơ không bác học này… tất cả mọi thứ. Nhưng tôi thấy anh Cầm anh ấy có cái tốt là anh ấy không nói gì cả. Anh Cầm thì không có lý luận, nhưng anh ấy bình tĩnh đi con đường của anh ấy. Tôi thấy điểm ấy cũng là điểm đáng trọng lắm. Thường thường ở trong nước người ta vẫn cho tôi là bênh anh Hoàng Cầm, nhưng tôi nói chuyện này để tùy chị kết luận xem tôi có bênh hay không là tùy chị: Thời ấy, anh Cầm vừa bị bắt sau vụ Kinh Bắc. Bị giam cũng đâu 5, 6 tháng gì đó. Từ khi anh ấy trở về thì tôi thấy anh Cầm, phải nói xin lỗi, đúng là một cái rẻ rách. Tôi gặp anh ấy trong một cái nhà, thì đó là một cái nhà sâu và rất tối mà nó lại ẩm thấp. Tôi vào, tôi thấy bóng một người ngồi – mà Việt Nam ta gọi là ngồi đầu gối quá tai đó – trông rất buồn, ngồi hút thuốc lào. Như thói thường, gặp một người bạn nào thì bao giờ tôi cũng rất cẩn thận, vì tôi cũng chưa biết anh ấy như thế nào, tôi nói rằng: “Thôi, bây giờ chuyện đã xong rồi, cái gì mình thấy là sai lầm thì mình nhận là sai lầm, cái gì mình đúng thì mình cứ giữ lấy chẳng việc gì mình phải thay đổi cả.” Thì Cầm nói với tôi một cách rất thành khẩn: “Không những mình sai lầm mà mình còn có tội nữa.” Tôi rất buồn và lúc đó tôi nghĩ chắc là Cầm không bao giờ còn có thể viết được nữa. Tôi mất một người bạn. Thế rồi Phùng Quán đến, Phùng Quán nó viết một câu thơ “Có con sông Ðuống tiễn đưa anh” gì đó. Thơ Phùng Quán bao giờ nó cũng hùng hồn. Tôi nói với Quán: “Bây giờ những lời hùng hồn ấy đều vô ích cả, hẵng để cho anh ấy có thì giờ suy nghĩ.”

Thỉnh thoảng chúng tôi có lại thăm. Và vẫn ám ảnh bởi cái bóng tối và bóng của anh Hoàng Cầm ấy, tôi lại nhớ đến bài thơ Cha tôi mà tôi viết ngày trước, “bóng và người như nhau”, thì tôi không tin rằng Cầm có thể viết được nữa.

Vào khoảng độ 5, 6 tháng sau, tôi đến, thì Cầm có đưa cho tôi một bài thơ, thơ còn chuệch choạc nhưng tôi thấy những câu chữ cũng được lắm và một năm sau tôi thấy anh ấy lại làm thơ bình thường và tôi cho một người làm thơ can đảm như thế là đủ. Can đảm để giữ cái bản chất của mình. Anh Cầm anh ấy vẫn cho là thế này: Anh em thì nó học nhiều hơn mình, nó mô-đéc hơn mình, mình thì hơi cổ. Nhưng cái tự ti ấy không đủ để anh ấy thay đổi thi pháp của anh ấy. Tôi cho đó là một cái lòng can đảm. Ðến khi một người rũ xuống như một cái rẻ rách ấy, tôi tin anh không có thể viết được nữa, mà sau một thời gian cũng chỉ gần một năm giời anh lại trở lại làm thơ và có những bài thơ rất hay thì tôi cho một người làm thơ chỉ cần can-đảm-chữ là đủ. Tại vì anh có phải là đặc công hay là anh có phải đánh cọp đánh kiếc đi bắt cướp bắt kiếc gì đâu mà cần một người can đảm. Tôi thấy người làm thơ chỉ cần can- đảm – chữ mà thôi.

T.K.: Thưa anh, trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của các anh thì có thể nói là anh, anh Trần Dần, anh Ðặng Ðình Hưng đều đi con đường tìm tòi cái mới. Chỉ riêng có anh Hoàng Cầm là không triệt để đi tìm cái mới. Vậy anh nghĩ gì về thơ của anh Hoàng Cầm?

L.Ð.: Về điểm này tôi với Trần Dần và Ðặng Ðình Hưng tranh luận rất nhiều. Riêng tôi thì tôi nghĩ rằng anh Hoàng Cầm là một nhà thơ bình dân mà ở trong Kinh Bắc nhiều chỗ anh ấy cũng đạt tới chỗ bác học. Có những câu thơ rất hay mà nó bâng khuâng lắm. Ðơn giản nhưng bâng khuâng. Tôi kể lại một câu chuyện mà tôi đã kể khi viết về 75 năm Hoàng Cầm, tức là hôm ấy tôi có gặp Nguyễn Bính. Nguyễn Bính thì mọi người đều cho Nguyễn Bính là người khinh bạc cả. Nguyễn Bính là người khinh bạc lắm. Nhưng Nguyễn Bính đối với tôi lại rất tốt, tôi không biết tại sao thế. Ðộ ấy Nguyễn Bính còn làm Trăm Hoa thì Nguyễn Bính cứ buổi chiều thứ bảy là đi các đại lý báo để thu tiền báo. Lúc nào mà được tiền thì Nguyễn Bính cũng rủ tôi đến Mã Mây ăn thịt chó. Lúc ấy tôi đang khó khăn lắm, thời kỳ Nhân Văn mà. Một hôm uống rượu xong, tôi có hỏi Nguyễn Bính: “Sau cậu là ai? Cái trường phái thơ bình dân ấy, sau cậu là ai?” thì Nguyễn Bính nói ngay không nghĩ ngợi gì cả: “Sau tao là thằng Cầm.” Tôi cũng mỉm cười thôi, không nói gì cả. Sau đó, uống rượu một lúc thì Nguyễn Bính lúc đó đã say rượu lắm rồi, mặt đỏ, đặt chén rượu xuống chỉ vào mặt tôi: “Thằng này là thằng khốn nạn. Tí nữa tao mắc lừa mày. Thằng Cầm cũng bằng tao!” (cười) Thì để thấy rằng những người anh em mà người ta tưởng là khác xa nhau, người ta tưởng là mâu thuẫn với nhau, nhưng mà nó liên tài với nhau lắm. Lẽ dĩ nhiên Nguyễn Bính là một thế giới, và Nguyễn Bính nổi tiếng, nhưng Hoàng Cầm cũng nổi tiếng không thua gì Nguyễn Bính cả. Nhưng qua đó thì thấy gì? Thấy rằng những nhà thơ lớn thường thường họ liên tài và những sự mâu thuẫn của họ chỉ là những mâu thuẫn lặt vặt thôi. Chỉ có những nhà thơ xoàng mới ghen ghét nhau thôi.

T.K.: Thưa anh còn một người nữa cũng có những nét rất đặc biệt trên văn đàn đó là Nguyễn Tuân nhưng chưa có dịp nào để hỏi anh về Nguyễn Tuân, vậy thì hôm nay anh nghĩ sao về Nguyễn Tuân?

L.Ð.: Nguyễn Tuân thì tôi nghĩ như thế này: Anh Tuân là một người mà tôi rất kính trọng, tôi rất kính trọng cái thời mà anh ấy viết trước Cách Mạng, tức là thời kỳ những Vang bóng một thời và những bút ký của anh Tuân tôi thích lắm. Tôi sợ rằng khi người ta đánh giá về anh Tuân, người ta đánh giá nhiều lúc cũng không đúng, mà bản thân anh Tuân nhiều lúc cũng không đúng lắm. Ví dụ như tôi xem một nhà văn nói rằng những cái ký sự của anh Tuân sau này, anh đã đem lại cho nó một cái chứng chỉ của một sự sang trọng. Tôi không thấy nó sang trọng gì cả. Tôi thấy những bài ký sự của Tuân sau này yếu. Những bài đánh Mỹ của anh ấy tôi thấy không có gì là sang trọng cả. Nhưng mà về anh Tuân thì tôi thấy thế này: Anh Tuân vì được mọi người quý trọng quá, cho nên anh Tuân là một người ích kỷ và chính cái ích kỷ ấy hạn chế khả năng của anh ấy. Tôi kể lại đây một chuyện của Nguyễn Sáng để biết rằng Nguyễn Sáng cũng là một người tinh tế lắm. Tức là có một mâu thuẫn gì đó tôi không tiện kể ở đây, giữa Nguyễn Sáng và Nguyễn Tuân, vì hai người rất thân với nhau, sau đó thì Nguyễn Tuân có nhắn một người đến nói với Nguyễn Sáng rằng: “Trong cái sai lầm ấy thì toa cũng có khuyết điểm chứ!” Nói với lại Nguyễn Sáng thế. Thì Nguyễn Sáng nói thế này này: “Nguyễn Tuân là người không viết được tiểu thuyết, không xây dựng được nhân vật cho nên không hiểu thế thái nhân tình. Không chơi với Nguyễn Tuân.” Ðể biết như thế là những người nghệ sĩ họ hiểu nhau lắm. Hai là, tôi nói thế này không biết có phải là vô lễ với anh ấy không, nhưng mà tôi cứ nói: tôi thấy anh ấy hơi điệu bộ quá. Và hình như là anh Tuân đã mất quá nhiều thời giờ để sắm cái vai Nguyễn Tuân trong cuộc đời mình. Giá thời gian ấy mà anh ấy dùng để viết hoặc để suy nghĩ thì chắc là anh ấy có thể làm được cho đời nhiều thứ hơn. Nói như thế không phải là tôi đánh giá thấp anh Tuân đâu, Nguyễn Tuân là một trong những người tôi quý nhất ở nền văn học Việt Nam. Nhưng mà quý không có nghĩa là xuề xòa tất cả về những cái gì mình không bằng lòng về anh ta. Tôi thấy anh Tuân đúng là anh ấy diễn nhiều quá. Và tôi sợ không phải chỉ có mình anh Tuân. Tôi không muốn nhắc tên những người bạn của tôi, nhưng nhiều người bạn của tôi cũng bận diễn quá. Hình như là khi mà cái vinh quang nó khoác cho mình thành một nhân vật, thì mình để rất nhiều thời giờ để mình sắm cái nhân vật ấy, hơn là mình sống với bản chất nghệ sĩ của mình. Tôi cho đó là cái bi kịch của anh Tuân.

T.K.: Trường hợp Nguyễn Công Hoan hơi khác. Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm anh Nguyễn Công Hoan cũng có một thái độ không được hay lắm. Nhưng ở ngoài cuộc sống thì Nguyễn Công Hoan là người thế nào hở anh?

L.Ð.: Anh Nguyễn Công Hoan mà chơi với anh ấy thì rất dễ chịu. Anh ấy tính vui vẻ mà chúng tôi vẫn gọi là bon papa. Nhưng anh Hoan là người rất đơn giản. Anh đã từng khuyên các nhà văn trẻ là: “Moa viết văn hay như thế moa có cần đọc gì đâu!” (cười). Cho nên đối với anh Hoan, mình cũng kính trọng như là một bon papa ấy thôi, chứ anh Hoan thì không có suy tư gì sâu xa về văn học cả. Tôi đã nghe anh ấy nói:”Moa có đọc gì đâu!” Anh Hoan là một người sống đơn giản lắm, rất đơn giản. Mà tôi cũng không hiểu tại sao anh ấy viết được những truyện như thế. Theo tôi thì ngoài một số nói năng của anh ấy trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm nó không được lịch sự lắm, thì đó cũng là một người mà tôi kính trọng. Tại vì đến khi anh ấy nhận thức ra, thì anh ấy cũng dám nói chứ không phải anh ấy không dám nói, chứ anh cũng không phải là người mũ ni che tai đâu. Thường thường Nguyễn Công Hoan gặp tôi thì bao giờ cũng tỏ thái độ thông cảm hơn là người khác.

T.K.: Thưa anh, có thể nói là trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm có hai nhóm, một nhóm như anh, anh Hoàng Cầm và anh Trần Dần là thuộc về nhóm những nhà văn, nhà thơ, tranh đấu bên phía Hội Nhà Văn. Còn một nhóm nữa gồm những nhà trí thức, sinh viên, tranh đấu bên đại học, với những tên tuổi như Trần Ðức Thảo, Ðào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường v.v… Vậy sự liên hệ giữa hai nhóm này như thế nào và vai trò một người như Trần Ðức Thảo trong tờ Nhân Văn là thế nào ạ?

L.Ð.: Hai bên thì cũng không liên hệ với nhau nhiều và thường thường liên hệ với nhau là qua anh Ðang đó thôi. Còn liên hệ trực tiếp với tôi thì ít nhưng mà thế này: Anh Thảo thì hầu như không tham gia gì vào vấn đề Nhân Văn cả nhưng anh có viết bài cho Nhân Văn và anh ấy có đến dự họp báo Nhân Văn. Thì Thảo gây một ấn tượng rất lớn với anh em Nhân Văn. Tại vì đằng sau anh Thảo, những cái tiếng từ ngày xưa, người ta đã đồn như ông này ngày trước cãi nhau với Sartre, anh này là một nhà triết học đỗ thủ khoa ở nước Pháp v.v… cho nên, anh mang đằng sau anh một cái bóng rất to. Tôi thấy anh em đều tôn trọng anh Thảo cả. Mà anh Thảo có một cách nói rất khiến người ta lưu ý: anh ấy nói một cách rất trừu tượng. Mà hình như anh không ở trong cái vấn đề, anh nói nó như cái vấn đề ở đâu đấy. Tôi còn nhớ buổi hôm ấy họp vấn đề quan trọng lắm: đã đến số 5 rồi, còn tiếp tục nữa hay không? Bởi vì chung quanh, các công nhân rồi tất cả người ta đánh ầm ầm, ầm ầm… Bạn tôi đều nói: “Bây giờ nó học tập ghê lắm rồi, sắp sửa đánh to lắm”. Thì anh Thảo có đến, anh hình như không bận tâm gì, đến anh nói rằng: “Toa rất buồn cười, họ đã đánh đâu mà ta lại rút kui. Ðợi khi nào họ đánh hãy hay, chứ họ đã đánh đâu mà lại rút lui, có khi họ đánh vờ thì sao?” Những cái ý của anh Thảo – người rất bình tĩnh – hình như là anh ở ngoài tất cả những vùng đánh đấm bon chen ấy. Thì anh Thảo gây một ấn tượng rất mạnh trong buổi họp hôm ấy. Sau này tôi còn tiếp xúc với anh Thảo nhiều lần, tại vì anh em vẫn tiếp tục chơi với nhau, nhưng tôi có cảm giác là anh Thảo luôn luôn bị hantise de persécution. Anh Thảo là người có lập luận rất chặt chẽ và chính cái chặt chẽ đó là một ưu điểm và là nhược điểm của anh ấy. Hình như anh ấy không chú ý gì đến cuộc đời mà anh chú ý đến lập luận của anh nhiều hơn. Tôi có nhớ một hôm đang trên đường đi, thì anh Thảo rủ tôi về nhà. Anh bảo:”Lê Ðạt về đây mình cho xem cái tài liệu hay ghê lắm”. Thế là tôi về nhà anh ấy, một căn nhà bẩn thỉu, lộn xộn, không có ai chăm sóc gì cả. Bên cạnh ông bố già đang ngâm thơ (cười). Thảo đưa tôi một tài liệu hơn 20 trang, nói rằng: “Ðây toa xem xem thế nào. Moa chứng minh rằng Tố Hữu là một tay DB[1] cài lại”-thằng DB tức là thằng mật thám Pháp cài lại – Thì tôi thấy anh chứng minh một cách rất chặt chẽ, anh nói rằng thời xưa, khi Tố Hữu ở trong tù ở Thừa Thiên, đã liên lạc với bố của Trần Duy, lúc đó là phủ thừa ở Thừa Thiên như thế nào; thế rồi tại sao khi Tố Hữu đi lên Ðiện Biên Phủ đi theo với thằng Pháp mà không có ai cả. Anh ấy chứng minh một lúc thì xem ra Tố Hữu hoàn toàn là thằng DB. Tôi xem xong trả lại anh Thảo, tôi nói rằng: “Mình không thích cái này lắm!” (cười). Thảo có ý không bằng lòng. Ðó là một chuyện của anh Thảo. Anh ấy luôn luôn có những lập luận như thế và luôn luôn bị ám ảnh là có người theo dõi. Từ độ ấy thỉnh thoảng chúng tôi cùng ra thư viện dịch để kiếm tiền. Lúc đó Mỹ đã ném bom đến Hà Nội rồi, tất cả các cơ quan đều sơ tán hết. Thư viện cũng sơ tán, còn ít anh em thôi, thì thường thường khi gặp nhau thì Thảo thường rủ tôi ra đằng sau thư viện để nói chuyện cho kín, Thảo nói rằng: “Toa với moa ra ngoài này nói chuyện cho kín không có công an. Nhiều công an lắm!” Tôi nói chuyện xong hai ba lần, sau tôi mới bảo Thảo: “Ông có biết cái cơ quan mà chúng ta nói chuyện trước cửa là của ai không? Nó là công an. Sở công an dọn về đấy rồi!” (cười).

Tôi có cảm giác là sau này óc anh ấy không được bình tĩnh như hồi tôi gặp đâu. Cho nên những việc anh ấy làm sau này thì tôi thấy là đáng tiếc nhưng cũng có thể hiểu được. Một người luôn luôn suy nghĩ, dằn vặt… Anh ấy sống rất cô đơn. Và tôi phải nói với chị như thế này: Anh Thảo về nước với một ý định rất rõ rệt chứ không phải là anh ấy không có ý định rõ rệt đâu, anh về nước với ý định là trở thành nhà lý luận của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vì thế cho nên sau này thỉnh thoảng anh ấy đi bênh vực Lê-nin Lê-niếc cũng là nằm ở trong ý định ban đầu thôi. Nhưng anh ấy không biết là người Việt Nam không bao giờ coi một nhà triết học là một nhà lý luận cả. Chỉ có lãnh tụ với nhà chính trị mới là nhà lý luận mác-xít, anh Thảo không thể là nhà lý luận được. Tôi cho đó cũng là một cái vỡ mộng của anh ấy.

T.K.: Thưa anh, còn hai nhà trí thức nổi tiếng trong phong trào nữa là Nguyễn Mạnh Tường và Ðào Duy Anh, anh có gần gụi họ không, xin anh cho vài nét về họ.

L.Ð.: Về anh Nguyễn Mạnh Tường thì tôi cũng không gần lắm. Tôi biết một chuyện này: anh Tường là một người rất tốt. Tại vì sau khi mọi việc xong xuôi rồi thì anh Tường là người dạy cháu Vũ về Pháp văn rất chu đáo, mà sở dĩ Vũ sau này nó sang Pháp một cách thuận lợi như thế, một phần công lớn là do anh Tường, mà anh Tường dạy cũng không lấy tiền, tại vì Trần Dần làm gì đủ tiền mà cho Vũ học anh Tường, cho nên anh Tường đối với những người ngày xưa, anh ấy cũng có ý rất tốt.

Thế còn anh Ðào Duy Anh thì, anh Ðào Duy Anh là một người như thế này: Anh Ðào Duy Anh là một người cẩn thận, cẩn thận, giữ gìn, trong danh từ Việt Nam người ta nói đơn giản là hơi nhát (cười). Anh Ðào Duy Anh sau khi Nhân Văn xong thì anh ấy làm việc sử, rồi cũng không có gì liên lạc với nhau nữa. Thời trước thì vẫn gặp nhau, thỉnh thoảng gặp nhau, nhưng vì anh Ðào Duy Anh là một người lớn tuổi, tôi chỉ đáng tuổi con anh ấy thôi mà đằng sau anh ấy là cả chồng tự vị cao lớn như thế, mà chắc là sức tôi cũng không đủ vác những tự vị của anh ấy. Nhưng tôi vẫn nhớ một chuyện về anh Ðào Duy Anh mà tôi muốn kể với chị, về cái tình cảm của những người Nhân Văn như thế nào. Tức là đã lâu lắm, mấy chục năm tôi không gặp anh Ðào Duy Anh nữa, tại vì nhà anh ấy ở rất xa, mà anh ấy lại ở thế hệ khác, mình chẳng có cái gì mà bàn với anh ấy cả. Và hai là, anh ấy không muốn tiếp xúc với những người Nhân Văn cũ, anh rất ngại. Sau này, vì tình hình nó mở ra, thì hôm ấy Mặt trận Tổ quốc tổ chức ngày sinh nhật thật trọng thể 80 năm của anh Ðào Duy Anh. Chị còn lạ gì tôi, tôi không thích đến những cuộc đông đảo như vậy bao giờ cả, tính tôi là người như thế. Tôi đã đắn đo lắm, thì anh Ðào Duy Anh có nói với em anh ấy là Ðào Phan, Ðào Phan là bạn tôi, bảo rằng: “Thế nào cũng bảo Lê Ðạt tới”. Khi anh ấy nói như thế thì nhất định là tôi phải tới rồi. Ðào Phan có dẫn tôi đến chỗ ông Ðào Duy Anh, đông lắm, mọi người những học trò rồi là những người lâu lắm mới lại gặp, ông Ðào Duy Anh xuất hiện thì mọi ngưòi quý lắm, tôi có đến chào anh Ðào Duy Anh thì anh Ðào Duy Anh quay lại ngay. Tôi nói: “Chào bác, thế nào bác còn nhớ tôi không?” Thì anh Ðào Duy Anh có nói một câu mà tôi rất cảm động: “Làm sao mà quên được, bục công an chứ gì!” Thì tôi mới biết là trong mấy chục năm nay ông ấy không bao giờ quên mình cả! Ðấy là cái quan hệ giữ tôi và anh Ðào Duy Anh. Như thế những người ở trong Nhân Văn ấy, mặc dù không gần gũi nhau như trước nữa nhưng trong thâm tâm người ta vẫn dành một chỗ nào nhất định để đối xử với nhau. Ðó là một tình bạn rât hiếm ở một nước như nước Việt Nam.

Bình luận về bài viết này